Bình Dương: Dạy bơi để trẻ biết cách tự cứu mình

Thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước là một mối nguy hiểm rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, đòi hỏi cả cộng đồng phải tích cực chung tay góp sức phòng, chống. Chính vì vậy, Bình Dương đã tổ chức dạy bơi cho trẻ để các em biết cách tự cứu mình khi gặp nạn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2017, toàn tỉnh Bình Dương có 13 trẻ tử vong do đuối nước, đa số là bị tai nạn vào dịp hè. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, như nhiều gia đình thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi khu vực có ao, hồ, sông suối mà không có sự giám sát của người lớn; trên địa bàn tỉnh nhiều điểm tắm tự phát; vùng ao, hồ, sông suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm…

Thực tế cho thấy, hiện nay đang vào kỳ nghỉ hè của học sinh. Lúc này, các em có nhiều thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, nhu cầu tắm mát trong mùa hè... Ở những địa phương có sông, suối, ao, hồ, các em thường rủ nhau đến nơi này tắm mà không có sự giám sát, quản lý của người lớn để xảy ra tai nạn đuối nước. Đây cũng là nỗi lo của các phụ huynh mỗi dịp hè về.

Không chỉ có ao, hồ, sông, suối… đập nước, những khu đất trống đã được khai thác đất, đá trở thành những hố sâu cũng là mối nguy hiểm cho trẻ em khi các em đưa nhau đi tắm, từ đó để lại những hậu quả không lường trước được.

Chị Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Dầu Tiếng cho biết, trên địa bàn huyện có hồ Dầu Tiếng, suối và đập nước. Ở những nơi này mực nước vào mùa hè tương đối cao do những cơn mưa đầu mùa. Những nơi này lại không có bảo vệ nên trẻ em thoải mái xuống tắm mà không có người nhắc nhở. Về phía chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho phụ huynh nhắc nhở con em. Những điểm nước sâu, nguy hiểm cũng đã có biển báo nguy hiểm nhưng chưa bố trí được lực lượng bảo vệ.

Nhiều giải pháp nhằm gỉam thiểu tai nạn do đuối nước

Để ngăn chặn phòng chống tai nạn đuối nước trong trẻ em, một trong những giải pháp đó là dạy bơi, dạy các kỹ năng cho trẻ. Riêng ngành giáo dục - đào tạo tỉnh, đến nay đã có 40% các trường trường tiểu học, THCS phổ cập bơi lội cho học sinh. Ngành phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 50% các trường phổ cập; đến năm 2025 đạt 90%. Trong đó TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát đạt 100% các trường tiểu học, THCS phổ cập bơi lội cho học sinh.

Dạy bơi giúp trẻ phòng tránh tai nạn đuối nước

Về phía Phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Bến Cát, ngoài việc tuyên truyền, phối hợp, kêu gọi phụ huynh cho con em đi học bơi, ngành còn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng đề án và hỗ trợ kinh phí cho các em tham gia học bơi. TX.Bến Cát còn thực hiện mô hình liên kết dạy bơi giữa nhà trường và doanh nghiệp; hồ bơi Câu lạc bộ TDTT Hoàng Minh - Hồ bơi Mỹ Phước được xem là điển hình của mô hình với việc phối hợp dạy bơi, dạy kỹ năng cho học sinh.

Đối với Tỉnh đoàn, dạy bơi để phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng đã được thực hiện nhiều năm nay. Những địa phương có đầy đủ cơ sở vật chất, Đoàn Thanh niên các cấp phối hợp đưa các em đi học bơi. Những địa phương thiếu hồ bơi, Ban Chấp hành Đoàn đã nghĩ ra cách làm hay đó là xây dựng “hồ bơi di động”. Đơn cử là Huyện đoàn Phú Giáo đã phối hợp với Trung Tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện xây dựng hồ bơi di động. Hè năm 2017, huyện đã mở được 4 lớp miễn phí cho trên 200 em học sinh. Mô hình này đang được Tỉnh đoàn xem xét, nhân rộng để tạo điều kiện cho các bạn đoàn viên, hội viên được tham gia học bơi miễn phí. Từ đó làm chủ được mình khi gặp sự cố đuối nước.

Các sở, ngành, địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhà trường, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Mỗi năm, toàn tỉnh có 1.100 trẻ em nghèo, khó khăn được dạy bơi miễn phí. Công tác xã hội hóa phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị, tổ chức. Qua đó, nhiều lớp học bơi được mở, hàng ngàn áo phao cứu sinh đã được trao tặng cho học sinh các trường...

Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết: Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, vận động xã hội tích cực tham gia hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, huy động các nguồn lực xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em, giúp đỡ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.

“Các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vừa qua đã tạo sức hút và lôi cuốn đông đảo trẻ em tham gia, chú trọng đến hoạt động vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh, tạo cơ hội để trẻ em tham gia bày tỏ ý kiến về các vấn đề có liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, các tổ chức hoạt động vì trẻ em đã tích cực trong việc truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về lợi ích cũng như tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em.” Ông Cường cho hay.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/binh-duong-day-boi-de-tre-biet-cach-tu-cuu-minh-d76858.html