Bình Dương: Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Bình Dương là điểm sáng của cả nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo khi trở thành địa phương duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn chung toàn quốc. Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương tiếp tục nâng tiêu chí hộ nghèo với chuẩn nghèo mới cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương 1,7 lần và là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn mới gắn với hình thức tiếp cận đa chiều.

Hộ nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ

Cuối năm 2017, Bình Dương còn 3.206 hộ nghèo trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,09%; trong đó: Số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo (không bao gồm hộ nghèo bảo trợ xã hội) là: 1.990 hộ nghèo trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,68%. Số hộ cận nghèo là 2.872 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,97%.

Ông Lê Minh Quốc Cường, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết: Năm 2017, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh và các đơn vị cấp huyện triển khai, lồng ghép, hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo thông qua việc triển khai chính sách; phối hợp với các ngành chức năng liên quan, mua và cấp 13.624 thẻ BHYT cho người nghèo và người vừa thoát nghèo; 8.329 thẻ BHYT cho người cận nghèo với tổng kinh phí là 14,344 tỷ đồng.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo, kết quả hỗ trợ cho 5.396 lượt học sinh, sinh viên, với tổng kinh phí là 10,397 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 224 căn nhà đại đoàn kết và 28 căn nhà tình thương với tổng kinh phí 11,358 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 3.620 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 2,239 tỷ đồng. Và ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương đã giải ngân 162,994 tỷ đồng.

Giao bò sinh sản cho hộ nghèo

Giao bò sinh sản cho hộ nghèo

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo cấp huyện, xã tổ chức tiếp xúc và đối thoại với tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố giám sát việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo và nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp tại cấp xã tại 18 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng 2.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ngoài ra, đoàn còn xuống một số hộ gia đình để thăm hỏi, tham vấn hộ gia đình. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách giảm nghèo, các phương án thiết thực và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm hộ gia đình nhằm hỗ trợ các hộ nghèo và hộ cận nghèo dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn cũng như được giải quyết những nhu cầu chính đáng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2018, tiếp tục triển khai thực hiện, kiểm tra các Đề án đã ban hành, cụ thể như: đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, Đề án Người khuyết tật giai đoạn 2013-2020, Đề án trợ giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2014-2020, Công ước liên hiệp quốc về người khuyết tật, Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ, Đề án đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội.

Đào tạo nghề - Cơ hội thoát nghèo bền vững

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo ở nông thôn thay đổi cuộc sống. Đến nay, không còn tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng và thành tích mà đã được tổ chức một cách chặt chẽ hơn, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, hoặc người học tự phát triển được khả năng của mình. Việc học nghề đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt có ý nghĩa với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất và trình độ sản xuất hạn chế. Cụ thể, nhờ học nghề đã có hàng ngàn hộ thoát nghèo, có thu nhập trung bình vươn lên thành hộ có thu nhập khá.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH cũng cho biết, việc dạy nghề LĐNT thời gian qua đã đúng phương châm của tỉnh, đó là cho người dân chiếc “cần câu” chứ không phải cho sẵn “con cá”. Việc đào tạo nghề còn gắn liền hiệu quả với các chương trình lớn; trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, nhằm phát huy hiệu quả việc dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH đã cử cán bộ nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để bổ sung những ngành nghề phù hợp, bảo đảm sau khi học nghề học viên có công việc ổn định. Riêng giai đoạn 2018- 2020, mục tiêu đào tạo nghề của Đề án đào tạo nghề LĐNT khoảng 4.140 người; trong đó nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp khoảng 2.640 người, nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.500 người. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/binh-duong-day-manh-thuc-hien-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-d79542.html