Bình Dương mua trạm thu phí rồi xóa bỏ: Tiền ngân sách

Có 3 lý do để Bình Dương phải mua lại trạm thu phí này, trong đó lý do quan trọng nhất là hỗ trợ thu hút đầu tư

Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin thêm về quyết định mua lại trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) của UBND tỉnh Bình Dương từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương sau đó nâng cấp, mở rộng và không thu phí của người dân.

Ảnh minh họa

Ông Liêm cho biết, có 3 lý do để Bình Dương phải mua lại trạm thu phí này: Thứ nhất là, mở rộng đường, giải quyết ùn tắc cho người dân; Thứ hai, kết nối với TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Campuchia; Thứ ba là, dự án nằm trong chủ trương và quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Toàn bộ số tiền mua lại sẽ được lấy từ ngân sách của tỉnh.

Cụ thể hơn, ông Liêm phân tích, việc đặt trạm thu phí ngay tại đầu đường dẫn vào khu công nghiệp đã gây cản trở lớn tới giao thông đi lại, khiến người dân bức xúc.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất khiến Bình Dương buộc phải bỏ ra 4-5 tỉ bồi thường để mua lại trạm thu phí từ chủ đầu tư rồi xóa bỏ là vì thu hút đầu tư.

Ông Liêm khẳng định, bắt buộc phải xóa bỏ trạm thu phí trên vì nó được đặt ngay giữa trung tâm của tỉnh gây cản trở tới giao thông đi lại, gây phiền phức cho chủ đầu tư. Được biết, trong tương lai Bình Dương sẽ còn rà soát và xóa bỏ nhiều trạm thu phí khác.

Vẫn theo ông Liêm, trạm thu phí An Phú được đầu tư với số vốn hơn 200 tỷ, chủ đầu tư được hoạt động trong thời gian 20 năm để thu hồi vốn. Đến thời điểm được mua lại, trạm thu phí này gần như đã sắp hết thời gian và về cơ bản đã thu hồi được gần hết vốn.

"Theo đúng luật đầu tư, mình phá vỡ hợp đồng thì phải đền bù thôi. Đó là vì lợi ích của người dân, của tỉnh thì mình phải làm. Cũng may không bị phạt gấp đôi, gấp ba", ông Liêm nói.

Sau khi UBND tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí trên, tỉnh cho thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường dài khoảng 5,3 km. Theo đó, ngoài việc mở rộng, trên tuyến đường này còn xây bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3 km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỷ đồng, nâng cấp công suất tuyến đường từ 6 làn xe lên 8 làn xe... Sau khi hoàn thành, Bình Dương vẫn không thu phí.

"Tới đây Bình Dương còn xem xét tiếp, kẹt đâu sẽ xóa bỏ đó. Cần phải làm từng bước chứ không thể có kinh phí để làm cùng một lúc", ông Liêm nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Cục đường bộ (Bộ GTVT) cũng cho biết, việc Bình Dương bỏ tiền ngân sách của địa phương mua lại trạm thu phí rồi xóa bỏ để giảm gánh nặng cho người dân và phương tiện qua lại là điều rất tốt. Ông cho biết, không riêng ở Bình Dương mà ngay cả với hàng loạt những trạm thu phí khác, nếu nhà nước có đủ ngân sách để mua lại ông cũng hoàn toàn ủng hộ.

Hà Tĩnh muốn dời trạm thu phí BOT: Vì người dân

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có thể làm được mà còn phải dựa vào tiềm lực, ngân sách của mỗi tỉnh. Thời gian qua cũng có một số trạm thu phí phát sinh những vấn đề gây bức xúc. Song, do thời gian thu phí còn dài, khả năng bồi thường quá lớn, do đó, một lúc bỏ hàng trăm, hàng chục tỷ tiền ngân sách ra để giải quyết vấn đề này là rất khó.

Về thông tin cho rằng vị trí đặt trạm thu phí gây cản trở tới giao thông, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, ông Huyện cho rằng chủ yếu chỉ giải quyết mục đích giao thông, đi lại cho người dân. Theo đó, Bộ sẽ tính toán áp dụng từng bước giải pháp thu phí không dừng qua các trạm thu phí để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Về việc thu hút đầu tư, ông cho rằng phải dựa trên nhiều cơ chế chính sách khác như ưu đãi, thuế, cơ sở hạ tầng... Trong đó, xóa bỏ trạm thu phí chỉ là một hình thức nhằm hỗ trợ đầu tư.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/binh-duong-mua-tram-thu-phi-roi-xoa-bo-tien-ngan-sach-3318578/