Bình Dương: Tăng thu nhập bằng cách tăng giờ làm

Tại buổi đối thoại với chính quyền tỉnh Bình Dương, các DN FDI thẳng thắn đề nghị được tạo điều kiện cho người lao động làm thêm hơn 300 giờ/năm để tăng thu nhập cho người lao động và hoàn thành các đơn hàng gấp với đối tác.

Hiện tỉnh Bình Dương đang đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với 3.397 dự án, tổng vốn đầu tư 30,9 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Bình Dương đã thu hút 718 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm 87 dự án mới và 38 dự án điều chỉnh vốn.

Các cơ quan chức năng cần xem xét tăng số giờ làm thêm của người lao động

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết, các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị. Kết quả cho thấy, chỉ số phát triển công nghiệp năm 2017 của tỉnh tăng 10,98%, 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong năm 2017 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm, với tỷ trọng tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% và 8,59%.

Hiện nay, vốn FDI là nguồn vốn quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương. Năm 2017, khu vực vốn FDI đóng góp 48,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 82,8% kim ngạch xuất khẩu của địa phương.

Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương khẳng định, Bình Dương sẽ luôn tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất, tốt nhất cho DN nước ngoài. Hội nghị gặp gỡ với cộng đồng DN là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe các DN đang đầu tư tại Bình Dương nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất tại địa phương.

Có được sự chia sẻ của người đứng đầu tỉnh, đại diện các DN FDI đã đưa ra nhiều ý kiến mong muốn tỉnh Bình Dương tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giải quyết các thủ tục hành chính. Đặc biệt, các thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT, trường lớp cho con công nhân, thời gian làm thêm giờ của người lao động…

Theo đại diện Công ty TNHH Rheem Việt Nam (KCN Đồng An 2), việc quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ đang thật sự là một khó khăn đối với DN.

Đại diện Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam JSC (KCN Vsip 1) cũng cho rằng, với quy định làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm của người lao động, đa số DN đều vi phạm vượt quá số lượng giờ làm thêm này. Vì hiện việc tuyển dụng lao động vẫn còn gặp khó khăn, đòi hỏi phải tăng ca để thực hiện các đơn hàng nên các cơ quan chức năng cần xem xét tăng số giờ làm thêm của người lao động vượt mức 300 giờ mỗi năm để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo đại diện các DN FDI, đề xuất tăng giờ làm thêm không chỉ là mong muốn của DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà cũng còn là mong muốn của một bộ phận không nhỏ của người lao động nhằm nâng cao thêm thu nhập.

Chia sẻ với DN, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng nhìn nhận quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ đang là một trở ngại cho hoạt động sản xuất của nhiều DN.

“Những đề xuất, kiến nghị, các ý kiến phản ánh của DN sẽ được UBND tỉnh tiếp thu và tìm ra giải pháp để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngày càng phát triển bền vững. Các ý kiến đóng góp của nhà đầu tư là cơ sở để địa phương cải thiện môi trường đầu tư. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được tháo gỡ kịp thời và những vấn đề ngoài thẩm quyền, tỉnh sẽ tập hợp, gửi các kiến nghị đến các ban ngành chức năng nghiên cứu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cam kết.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/binh-duong-tang-thu-nhap-bang-cach-tang-gio-lam-78541.html