Bình Giang phát triển nghề xay xát gạo

Hoạt động thu mua thóc, xay xát gạo ở huyện Bình Giang đang phát triển theo hướng tập trung với quy mô lớn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, nâng giá trị hạt gạo của địa phương.

Gạo được chà bóng trước khi bán ra thị trường

Các xã Long Xuyên và Tráng Liệt tập trung nhiều cơ sở xay xát, chế biến và buôn bán gạo nhất huyện với 3 công ty và hơn 50 cơ sở liên kết. Các cơ sở thu mua, xay xát gạo đã nhanh nhạy bắt kịp nhu cầu của thị trường, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, tạo ra gạo chất lượng, doanh thu ổn định.

Công ty TNHH Gạo Hưng Huyền ở thôn Cậy (Long Xuyên) mỗi ngày xuất bán từ 10-15 tấn gạo đi Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho13 lao động với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm lãi từ 500-700 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, chủ doanh nghiệp đã gắn bó với nghề xay xát gạo 26 năm. Hồi đầu, gia đình bà chỉ có 1 máy xay, mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 1 tấn gạo, ngày nhiều mới được 2 tấn. Đến năm 2000, bà Huyền mở rộng quy mô xay xát gạo, mua sắm thêm máy móc và thuê thêm người làm. Nhờ lựa chọn thóc cẩn thận nên gạo xay xát xong thường đều hạt, ít tấm, được khách hàng tin dùng. Năm 2012, công ty của bà Huyền đầu tư chế biến lúa gạo quy mô công nghiệp gồm máy xay xát, chà bóng, tách tấm, lọc sạn.

Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết ở Long Xuyên hiện có khoảng 10 cơ sở xay xát, chế biến gạo quy mô lớn, 15 cơ sở quy mô nhỏ, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 lao động. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại nên gạo đạt chất lượng cao, tiêu thụ ổn định. Ngành nghề xay xát gạo đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Xã Tráng Liệt trước đây nổi tiếng với nghề hàng xáo. Ông Phạm Văn Ngọc ở khu Thượng, xã Tráng Liệt cho biết những năm 80 của thế kỷ trước, nghề hàng xáo và xay xát gạo ở đây rất phát triển. Nhờ nghề này, nhiều gia đình có được cuộc sống sung túc, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi các các con học đại học.

Nghề xay xát gạo tạo thu nhập ổn định từ 7-8 triệu/người/tháng

Những năm gần đây, do đô thị hóa, các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh, diện tích trồng lúa bị thu hẹp, những người làm nghề xay xát đã giảm. Hiện xã Tráng Liệt còn chưa đến chục hộ giữ được nghề. Song, những hộ còn trụ lại đều phát triển theo hướng tập trung, đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng gạo. Ngoài thu mua thóc của người dân các xã trong huyện như Tân Hồng, Vĩnh Tuy, các cơ sở xay xát gạo ở Tráng Liệt còn thu mua thóc của nông dân huyện Ân Thi (Hưng Yên).

Để có thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều cơ sở xay xát gạo ở Long Xuyên, Tráng Liệt đã chủ động tìm tới nhóm khách hàng lớn là các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn trường học… Đến nay, hầu hết các cơ sở đều hợp tác với các khách hàng uy tín. Đầu ra ổn định nên hoạt động của các cơ sở xay xát gạo nhộn nhịp quanh năm. Vào mùa thu hoạch lúa, nhiều cơ sở đưa xe tải ra tận ruộng mua thóc tươi của bà con rồi đem đi sấy. Cách này vừa giảm chi phí trung gian, vừa bảo đảm chất lượng gạo, tránh rủi ro trong quá trình phơi khô, bảo quản thóc.

Ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết cùng với việc hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô lớn, ngành nghề xay xát gạo phát triển giúp Bình Giang tạo ra những sản phẩm gạo chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/binh-giang-phat-trien-nghe-xay-xat-gao-114640