Bình Liêu: Đưa giá trị bản sắc văn hóa vào phát triển du lịch

Với lợi thế là huyện vùng cao biên giới, có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng những giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu đã và đang tập trung khai thác, phát huy tốt các thế mạnh để phát triển ngành du lịch, coi đây là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Được tổ chức hàng năm, Lễ hội hoa Sở Bình Liêu đã trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách thập phương. (Trong ảnh: Lễ hội hoa Sở Bình Liêu năm 2018).

Được tổ chức hàng năm, Lễ hội hoa Sở Bình Liêu đã trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách thập phương. (Trong ảnh: Lễ hội hoa Sở Bình Liêu năm 2018).

Bình Liêu có hơn 3 vạn dân với 3 dân tộc thiểu số chính là dân tộc Tày, Dao và Sán Chay, chiếm trên 96% dân số. Trải qua các chặng đường lịch sử, cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu luôn có ý thức gìn giữ tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp, hình thành nên bề dày truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng. Đây cũng chính là những giá trị, thế mạnh để huyện hướng đến mục tiêu phát triển ngành du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Với lợi thế đó, những năm qua huyện đã tập trung khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, ngày lễ “Kiêng gió” của đồng bào dân tộc Dao, các chợ phiên vào ngày chủ nhật hằng tuần… tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với Bình Liêu. Cùng với đó là tập trung phát triển các câu lạc bộ văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các làn điệu hát dân ca truyền thống như: Hát then của dân tộc Tày, hát pả dung của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay. Hiện trên địa bàn huyện có 21 câu lạc bộ văn nghệ, trong đó có 9 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và duy trì sinh hoạt đều đặn. Đặc biệt, huyện cũng quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ghi chép, lưu trữ các bài then cổ, nghệ thuật biểu diễn dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… để làm tư liệu, lưu giữ phục vụ công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Các cô gái dân tộc Dao thể hiện tài thêu thùa tại ngày hội "Kiêng gió" xã Đồng Văn năm 2018.

Song song với đó, năm 2018 huyện cũng đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu, trong đó, tăng cường triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch theo nhóm du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm các lễ hội ngày hội truyền thống của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Ngoài xây dựng các điểm, tour, tuyến du lịch, huyện cũng hướng đến xây dựng các bản làng văn hóa dân tộc thiểu số như: Bản người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; bản văn hóa người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động; bản văn hóa người dân tộc Dao Thanh Phán tại thôn Sông Moóc. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch, các dịch vụ homestay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Anh Tằng Vằn Dào, bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn (Bình Liêu) cho biết: Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của vùng đất Bình Liêu, và được sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã xây dựng homestay A Dào với mong muốn vừa tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá với du khách thập phương những nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Homestay A Dào được bài trí bằng các vật liệu mang đậm màu sắc, giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao. Các du khách đến tham quan đều thích thú với những trải nghiệm mới mẻ.

Thi đẩy gậy của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu tại ngày hội "Kiêng gió" năm 2018.

Để khai thác tốt các giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc theo hướng bền vững, mục tiêu khai thác tốt các giá trị đó để phục vụ du lịch cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia nâng cao thu nhập và tận dụng lợi thế nguồn nhân lực tại chỗ. Ngoài ra huyện cũng sẽ quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: Cơ sở lưu trú, homestay… xây dựng các dịch vụ trải nghiệm hoạt động sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201911/binh-lieu-dua-gia-tri-ban-sac-van-hoa-vao-phat-trien-du-lich-2461122/