Bình Liêu, miền biên viễn

Bình Liêu, điểm du lịch mới nổi nằm ở phía Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh, giáp biên giới Việt-Trung. Đến đây để cảm nhận một miền biên viễn thật khác biệt...

Vẻ đẹp Bình Liêu.

Nhắc tới vùng đất du lịch Quảng Ninh có lẽ điểm đến Bình Liêu quá nhỏ bé trước những cái tên: vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Yên Tử... Nhưng vùng đất yên bình cuối cùng phía Đông Bắc, Bình Liêu lại sở hữu vẻ hùng vĩ, xinh đẹp đến bất ngờ.

Về vị trí địa lý, Huyện Bình Liêu, Quảng Ninh phía bắc giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành (Quảng Tây -Trung Quốc). Phía Tây giáp với huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn).

Phía Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh).

Vùng đất này chưa được phát triển mạnh về du lịch nên hệ thống nhà nghỉ, khách sạn rất ít, giá dao động khoảng 200 - 350.000 đồng/ đêm.

Vì vậy nếu đi theo đoàn thì chi phí lưu trú khá hợp lý.

Ngoài ra để tiết kiệm chi phí hơn thì bạn có thể chọn ở trong các homestay với mức giá khoảng 100.000 đồng/ người/đêm.

Điểm đến Bình Liêu là một trong những cung đường tuần tra biên giới nằm ở độ cao 700 m có phong cảnh hữu tình nên thơ bởi xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi non trùng điệp và những cánh đồng lúa thơ mộng, những mảng xanh bạt ngàn ngào ngạt hương thơm của rừng hồi, keo, quế, những nếp nhà cũ kỹ mang nhịp sống đơn sơ yên bình.

Bình Liêu sở hữu núi Cao Ba Lanh là dãy núi có độ cao 1050 m so với mực nước biển, gồm có 3 đỉnh núi: Cao Ba Lanh thượng, trung, hạ.

Núi có không khí trong lành, trên đỉnh núi có hai hồ nước tự nhiên diện tích 0,2 - 1 ha, có nhiều bãi đá với hình thù khác lạ nằm trong lòng hồ nước và nằm xem kẽ giữa các bãi cỏ và các khu rừng tự nhiên.

Thác Khe Vằn nằm cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12 km là một trải nghiệm không thể bỏ qua.

Men theo con đường nhỏ uốn lượn dẫn đến thác tựa như dải lụa trắng ôm lấy những ngôi nhà ven đồi, những thửa ruộng bậc thang dưới nắng sớm là khung cảnh yên bình, mộc mạc.

Thác Khe Vằn ban đầu là Khe Vân, lâu dần người dân nơi đây đọc chệch đi gọi là Khe Vằn. Thác nước 3 tầng hùng vĩ như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng vùng biên giới: Tầng thứ nhất là dòng nước lớn được chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng; Tầng thứ hai được chia thành hai dòng thác chảy (dòng thác bé và dòng thác lớn).

Nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng nước tung ra những bọt nước trắng xóa; Tầng thứ ba, dòng nước chảy từ tầng hai xuống và đổ ra suối.

Khí hậu nơi đây quanh năm ôn hòa, mát mẻ, không khí lại vô cùng trong lành, thoáng đãng. Hòa mình vào giữa núi rừng, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng chim muông ở miền biên viễn xa xôi chắc có lẽ chẳng còn điều gì thú vị hơn.

Đến Khe Vằn cùng cảnh núi rừng hùng vĩ, nên thơ du khách còn được thưởng thức, tìm hiểu về những làn điệu Soóng Cọ độc đáo của bà con dân tộc nơi đây.

Người dân gửi gắm vào làn điệu Soóng Cọ tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi khiến du khách vô cùng thích thú.

Ngoài những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ thì khi đến với Bình Liêu trong hành trình du lịch giá rẻ du khách còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ, Kinh, Hoa với những nét văn hóa vùng miền đặc sắc và đa dạng.

Vùng đất này lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời với những bản làng cổ kính với ngôi làng, bản đẹp cổ kính từ ngôi nhà đất từ xưa được ví như phố cổ Hội An (Quảng Nam). Một số bản đẹp như: Ngân Vàng, Ngân Chuông, Pắc phe...

Đừng quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của nơi đây như xôi 7 màu, miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, canh rau rừng… hay tìm hiểu các hoạt động, cách thức và quy trình sản xuất miến dong của những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Bình Liêu.

Đến với Bình Liêu hoạt động chinh phục các cột mốc 1305, 1316, 1317 hay trải nghiệm con đường tuần tra biên giới giữa Việt Nam -Trung Quốc là hoạt động hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều thú vị dành cho du khách.

Đứng tại các cột mốc hay đi men theo đồi núi, băng qua đường tuần tra là du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn cảnh rừng núi trùng điệp mờ ảo trong sương sớm, mây mù hay ngắm những đồng cỏ với màu sắc đặc trưng của mỗi mùa.

Sống lưng Khủng Long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305, giống như Tà Xùa, sống núi này nhìn giống như sống lưng của một chú khủng long vậy. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng dành cho các du khách khám phá.

Khi băng qua sống lưng Khủng Long thời gian nhanh nhất khoảng 2h nếu gặp thời tiết đẹp. Sống lưng Khủng Long là vị trí đẹp nhất của đường lên mốc 1305 trên biên giới Việt Nam -Trung Quốc.

Nhất là vào mùa cỏ lau thì nơi đây đẹp như thiên đường vậy. Những cánh đồng cỏ lau trắng mọc theo sống núi, tạo nên một khung cảnh vô cùng kỳ vĩ và không kém phần thơ mộng.

Đặc biệt, huyện Bình Liêu còn gìn giữ được nhiều chợ phiên họp vào một hoặc 2 ngày nhất định trong tuần, tiêu biểu là chợ trung tâm huyện Bình Liêu họp vào chủ nhật hàng tuần.

Đây là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào 5 dân tộc anh em sống trên địa bàn 7 xã, thị trấn trong toàn huyện và cả cư dân lân cận nước láng giềng.

Hàng hóa trao đổi trong chợ phiên chủ yếu là các loại nông, lâm thổ sản do nhân dân trong vùng nuôi trồng được như: gia súc, gia cầm, các loại dầu quế, hồi, sở; các loại củ, các loại lá thuốc chữa trị bệnh, mật ong rừng...

Điều đặc biệt lưu ý, khi mua sắm ở chợ là không được mặc cả, người dân địa phương ở đây họ rất ghét kì kèo vì không biết nói thách.

Cùng là vùng núi non, nhưng Bình Liêu không có những khúc cua tay áo khó đi, không hùng vĩ như cao nguyên đá Hà Giang, cũng không có những thảm ruộng bậc thang vàng rực trải dài tít tắp như Mù Cang Chải, Bình Liêu hiền hòa như một cô thiếu nữ miền sơn cước. Đến đây một lần để cảm nhận một miền biên viễn thật khác biệt.

Minh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/binh-lieu-mien-bien-vien-tintuc405264