Bình luận của báo TG&VN về Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) diễn ra từ ngày 11 – 13/9 tại Vladivostok với sự tham dự của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ là cơ hội thuận lợi cho chủ nhà Nga mở rộng hợp tác kinh tế và củng cố quan hệ chính trị.

Được khởi xướng từ năm 2015 và tổ chức vào tháng Chín hàng năm tại Vladivostok (Nga), đây là mô hình hữu hiệu để Moscow không chỉ thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông hẻo lánh mà còn là cơ hội mở rộng và củng cố quan hệ chính trị với những nước tham dự.

Với chủ đề “Viễn Đông – Mở rộng biên giới của cơ hội”, EEF sẽ có sự tham dự của đại diện đến từ 60 quốc gia, nổi bật là Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon. Theo đó, các bên sẽ thảo luận kế hoạch đẩy mạnh việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư ở vùng Viễn Đông. Diễn đàn cũng có sự góp mặt của đại diện hơn 6.000 doanh nghiệp Nga và quốc tế, nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư tại khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Quan trọng hơn, đây là cơ hội để Nga mở rộng kết nối với các quốc gia khác trong châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản, hai đối tác kinh tế chính trị lớn tại khu vực Đông Bắc Á.

Gác lại quá khứ

Ngày 10/9, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo đó, vấn đề quần đảo Kuril/lãnh thổ phương Bắc tiếp tục là chủ đề trọng tâm trong cuộc gặp gỡ. Tranh chấp quyền chủ quyền khu vực này sau Chiến tranh Thế giới thứ hai từng và tiếp tục là “hòn đã tảng” cản trở sự phát triển quan hệ hai nước một thời gian dài.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ngày 12/9. (Ảnh: Reuters)

Vài năm trở lại đây, vấn đề này đã có nhiều tiến triển tích cực và tại cuộc hội đàm hôm 10/9, hai bên đã thảo luận về xây dựng Hiệp ước hòa bình để tiến hành các hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế song phương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Moscow và Tokyo có thể thành lập một khuôn khổ đặc biệt để hợp tác mà không ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền tại khu vực này hay không.

Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, ngay trước thềm thượng đỉnh Hàn – Triều dự kiến diễn ra từ ngày 18 – 20/9.

Theo kết quả được công bố sau hội đàm, hai bên đã phê chuẩn lộ trình thực hiện dự án trong năm lĩnh vực, trong đó có đánh bắt hải sản, du lịch, năng lượng nhẹ và gió, cùng xử lý rác. Nhật Bản và Nga cũng đã ký kết 10 văn kiện hợp tác quan trọng về kinh tế, tài chính và công nghệ.

Vì tương lai chung

Sau đó một ngày, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi tháng Sáu, ông Putin cũng đã có chuyến công du Bắc Kinh và đây là lúc ông thể hiện lòng mến khách của mình. Hai bên nhất trí sẽ duy trì cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ song phương, bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới.

Tháp tùng ông Tập tới EEF lần thứ Tư là 600 đại diện gồm quan chức cấp cao, lãnh đạo các tỉnh, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lớn tại Trung Quốc. Đây là đoàn đại biểu đông đảo nhất được cử tới diễn đàn lần này. Hai bên sẽ tổ chức đối thoại doanh nghiệp vào ngày 12/9, thảo luận về phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới hai nước. Một trong những ưu tiên của phía Trung Quốc là mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là xây dựng đường ống dẫn khí đốt để cung cấp khí tự nhiên, cũng như các lĩnh vực khai thác khoáng sản và chế biến gỗ.

Bắc Kinh đánh giá cao tiềm năng về tài nguyên của khu vực vùng Viễn Đông, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng từ Nga hay Saudi Arabia sẽ khiến Trung Quốc bớt phụ thuộc hơn vào nguồn dầu thô từ Mỹ, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai bên chỉ tăng mà không có giảm. Nếu điều này thành hiện thực, nó sẽ tiếp tục đóng góp vào mức tăng trưởng “thần kỳ” của kim ngạch thương mại song phương: Năm 2017, con số đã tăng 31,5% lên 87 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm nay, tiếp tục củng cố vị thế của Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi Nga tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, cụ thể là tham gia vào chiến lược Vành đai Con đường, kết nối với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU). Ông đề cao vai trò của EEF như một diễn đàn tham khảo ý kiến và thảo luận về hợp tác khu vực.

Về phần mình, ông Putin cho biết ông và Chủ tịch Tập có một mối quan hệ thân tình, đồng thời khẳng định với vị thế hiện nay, hai bên cần mở rộng hợp tác kinh tế và chính trị, tìm kiếm đồng thuận trong những vấn đề cùng quan tâm. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục cùng Chủ tịch Tập thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng bình thường hóa “mối quan hệ phức tạp.” Cam kết về hợp tác quân sự cũng được hai bên củng cố và duy trì thông qua cuộc tập trận chung Vostok 2018, với sự tham dự của 300.000 lính, 1.000 máy bay chiến đấu và tàu chiến Nga, cùng 3.000 binh sĩ Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) với nhiều trang thiết bị, khí tài hiện đại.

Bên cạnh đó, hình ảnh hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới sóng vai trên Phố Viễn Đông tại Vladivostok, cùng nhau nấu, thưởng thức món blini, bánh pancake truyền thống của Nga với trứng cá muối và rượu Vodka là minh chứng rõ nét nhất cho quan hệ thân thiết của Moscow và Bắc Kinh. Theo ông Alexander Gabuev, Chủ tịch Nga của chương trình châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Moscow, đây là cách mà Nga và Trung Quốc đánh tiếng với Mỹ rằng những áp lực kinh tế và chính trị của Washington chỉ làm họ xích lại gần nhau hơn.

Cải thiện quan hệ với Nhật Bản, thúc đẩy bang giao với Trung Quốc, thu hút đầu tư tại vùng Viễn Đông và Siberia, khu vực giàu tài nguyên nhưng chưa phát triển, EEF chứng kiến thành công của Nga trong việc mở rộng hợp tác kinh tế, duy trì ảnh hưởng chính trị trong tại châu Á nói chung và thế giới nói riêng.

Cơ hội kinh tế cho nhiều nước

Việt Nam cũng cử đoàn tham dự EEF do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu. Ngày 11/9, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của Diễn đàn, Bộ trưởng đã có bài tham luận phát biểu tại phiên thảo luận “Nga-ASEAN”.

Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng đã tóm tắt những nét chính trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, với nền kinh tế phát triển năng động, tăng trưởng nhanh và ổn định, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khoảng 10 năm trở lại đây luôn đạt khoảng 6 - 7%. Với tốc độ tăng trưởng đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đang tích cực đầu tư ra nước ngoài, tập trung chủ yếu ở khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nga chiếm 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đứng thứ 3/75 quốc gia có dự án đầu tư của Việt Nam. Trong khi đó, tại Nga, đã có 23 dự án của Việt Nam đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, viễn thông, trung tâm thương mại, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa... Tập đoàn Viettel cũng lựa chọn Nga là nơi sản xuất thiết bị viễn thông, quốc phòng và tiến hành nghiên cứu về công nghệ. Đặc biệt, tại tỉnh Primorye, thuộc vùng Viễn Đông, Tập đoàn TH True Milk cho biết sẽ triển khai dự án chế biến sữa, với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD.

Viễn Đông có tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vô cùng phong phú: 20% tổng trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, 70% lượng hải sản, 75% tài nguyên rừng, 75% trữ lượng kim cương và 30% trữ lượng vàng của toàn nước Nga. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự phát triển của khu vực Viễn Đông không chỉ đem lại động lực cho kinh tế Nga, mà còn đem lại cơ hội cho các nước khác trong khu vực – Việt Nam là một trong số đó. Do đó, thời gian tới, ông kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Nga nói chung và vùng Viễn Đông nói riêng.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dien-dan-kinh-te-phuong-dong-noi-anh-tai-tu-hoi-77850.html