Bình luận: Thử thách mới

Cái chết của thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS Al-Baghdadi là đòn giáng mạnh vào tổ chức thánh chiến từng là nỗi kinh hoàng của cả thế giới. Tuy nhiên, không phải vì chiến tích này mà thế giới có thể 'ngủ yên'. Lịch sử đã chứng minh mối đe dọa từ phong trào khủng bố thánh chiến đối với thế giới chưa bao giờ chấm dứt kể từ khi nó xuất hiện cho đến nay.

Những biến tướng cùng hệ tư tưởng biến thái của chủ nghĩa khủng bố được tiếp nối qua các thời kỳ vẫn luôn là mối đe dọa hàng đầu đối với sự ổn định và an ninh của thế giới. Nên nhớ rằng, tiền thân của IS chính là một tổ chức được tách ra từ mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda. Còn nhớ, khi trùm khủng bố Osama Bin Laden của al-Qaeda bị tiêu diệt năm 2015, tổ chức này chỉ là một mạng lưới gồm các nhóm khu vực. Nhưng ngày nay, lãnh địa của al-Qaeda trải rộng từ Afghanistan và Pakistan tới Bắc Phi, Trung Đông và hơn thế nữa.

Đáng sợ là biến tướng IS của al-Qaeda vào thời điểm hưng thịnh nhất, còn cho thấy sự tàn bạo hơn, với các hình thức hành động khủng bố tinh vi hơn. Đặc biệt, IS tập hợp được đông đảo lực lượng không chỉ ở Trung Đông mà cả ở nhiều nước Tây Âu và cả Đông Nam Á. Điều làm nên sự cuốn hút của IS so với các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác chính là lực lượng này theo đuổi việc thành lập một nhà nước Hồi giáo thuần túy, càng thúc đẩy lý tưởng tôn giáo cực đoan của các chiến binh cực đoan.

Rõ ràng, cái chết của Bin Laden không làm thế giới an toàn hơn. Al-Baghdadi bị tiêu diệt nhiều khả năng cũng khó mang lại sự thay đổi. Cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tung hô chiến tích của đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố này sẽ khiến thế giới an toàn hơn, cũng không thể đảo ngược được thực tế đã và sẽ lại có nhân vật kế thừa của Al-Baghdadi xuất hiện. Trước khi bị tiêu diệt, thủ lĩnh khủng bố này đã kịp xây dựng được những chỉ huy khủng bố có đầu óc tương tự mình trên khắp thế giới. IS đã lôi kéo được các tổ chức khủng bố khác tham gia tội ác hoặc thành lập được các chân rết ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những địa bàn bất ổn. Điển hình IS đã biết lợi dụng khoảng trống quyền lực và chia rẽ ở Iraq và Syria để mở rộng lãnh thổ của cái gọi là nhà nước Hồi giáo.

Trong bối cảnh như thế, cái chết của thủ lĩnh Al-Baghdadi khó có thể chấm dứt cuộc nổi dậy của những phần tử khủng bố đã bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan trên khắp thế giới. Và hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung đã sản sinh ra các tổ chức cực đoan ở những “thiên đường” cho khủng bố từ Afghanistan cho tới Tây Phi. Lực lượng ở những địa bàn này vẫn được xem là nòng cốt của phong trào thánh chiến toàn cầu.

Đó là chưa nói “quái thai” IS dưới thời Al-Baghdadi đã tinh vi sử dụng chính các nền tảng truyền thông xã hội mà phương Tây tạo ra để làm lây lan tư tưởng cực đoan và thúc đẩy ngọn cờ thánh chiến. Vụ xả súng điên loạn tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch (New Zealand) hồi tháng 3 năm nay, được chính kẻ thủ ác Brenton Tarrant bật chế độ phát trực tiếp (livestream) trên Facebook, là bằng chứng cho thấy các nền tảng truyền thông xã hội đã “tiếp sức” cho khủng bố thế nào.

Sau chiến tích của đặc nhiệm Mỹ, đã có nhiều lời cảnh báo các nước cảnh giác trước các đòn tấn công trả thù cho thủ lĩnh Al-Baghdadi của các phần tử Hồi giáo IS. Nhà nghiên cứu Charlie Winter, Trung tâm Nghiên cứu về cực đoan hóa quốc tế, cho rằng IS có thể thu được thêm nhiều sức mạnh thay vì bị mất tinh thần sau cái chết của thủ lĩnh. Bên cạnh đó là lời kêu gọi duy trì áp lực quân sự lên các tàn tích của IS, không để chúng có điều kiện tập hợp lại, giống như al-Qaeda ở Iraq. Tất nhiên, liên minh chống khủng bố toàn cầu do Mỹ đứng đầu trải qua nhiều năm đương đầu với khủng bố, đã có nhiều kinh nghiệm hơn, ngăn chặn được các cuộc tấn công đẫm máu quy mô lớn. Song các vụ tấn công nhỏ lẻ kiểu “sói đơn độc” của những đối tượng “có cảm tình” với IS hay al-Qaeda luôn luôn khó lường. Vụ khủng bố ở Christchurch với kẻ thủ ác bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và được truyền cảm hứng từ IS, chính là một trong những lời cảnh tỉnh có sức lay động.

Sự suy yếu của IS hiện nay được lo ngại chỉ là tạm thời trong bối cảnh các lực lượng Mỹ chống khủng bố tại Syria và Trung Đông không được hoan nghênh ở lại. Đây có thể là một cơ hội để IS tái xuất và gây dựng lại tham vọng ở chính địa bàn Iraq và Syria đã bị đẩy lui, nhất là khi chính quyền Iraq và Syria đang bộn bề vấn đề cần giải quyết, không còn tâm trí đâu và cũng không đủ sức để lo đến an ninh. Thậm chí không loại trừ khả năng IS sẽ kết hợp với al-Qaeda để tiếp tục gây dựng phong trào thánh chiến toàn cầu.

Hơn lúc nào, các nước cần đoàn kết và sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, bởi nguy cơ bị tấn công không loại trừ bất kể quốc gia nào. Nhưng trong cuộc chiến cam go chống khủng bố, không thể coi quân sự là mặt trận duy nhất. Chiến lược chống khủng bố toàn cầu dường như vẫn đang đi vào lối mòn, thiên về dùng vũ lực với việc tạo dựng các liên minh quân sự. Cùng với đó là sự bất công, phân cực giàu nghèo đang khiến thế giới xuất hiện nhiều thù hận hơn, tạo điều kiện cho tư tưởng cực đoan có đất nảy nở. Một chiến lược chống khủng bố khôn ngoan phải mang tính tổng thể và bền vững hơn, chú trọng giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Nếu không cuộc chiến chống khủng bố sẽ mãi là cuộc chiến không hồi kết và luôn phải bắt đầu một cuộc chiến mới phức tạp, thách thức hơn.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/binh-luan-thu-thach-moi-598492