'Bình mới, rượu cũ' tại Thái Lan

Cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/4/2014 được kỳ vọng có thể mang lại sự ổn định cho chính trường đầy bất ổn của quốc gia này trong gần 2 thập kỷ qua.

Đối với người dân Thái Lan, điều này đồng nghĩa với việc chính quyền quân sự do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) đứng đầu sẽ dần đi đến hồi kết và họ một lần nữa có thể tự tay chọn ra người lãnh đạo của riêng mình. Từ năm 2001 – 2014, lá phiếu của họ đã được dành cho đảng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra, song cả hai nhân vật này đều bị phế truất bằng luật hoặc lật đổ thông qua đảo chính quân sự. Đây là thời khắc cho một sự chọn lựa mới, tìm kiếm một nhà lãnh đạo có thể khôi phục trật tự cho chính trường Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong vòng vây của những người ủng hộ. (Nguồn: The Nation)

Theo đó, trong cuộc bầu cử ngày 24/3, người dân Thái Lan sẽ sử dụng lá phiếu của mình để bầu 500 Hạ Nghị sỹ tại Hạ viện. 250 Thượng Nghị sỹ tại Thượng viện sẽ được NCPO chỉ định và thông qua. Điều này cho thấy NCPO sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng lớn của mình trong chính quyền mới, dù cho nó có được lãnh đạo bởi người đứng đầu của họ, Tướng Prayut Chan-o-cha, hay một nhân vật nào khác.

Ngoài ra, với tư cách Chủ tịch NCPO, ông có thể sử dụng quyền tối cao của Điều 44 Hiến pháp để ra mọi quyết định trên cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lợi thế này cho phép ông Prayut, ngay cả khi tuyên bố tham gia tranh cử dưới lá cờ của đảng Palang Pracharath, vẫn giành ưu thế tuyệt đối trước các nhân vật khác. Việc Công chúa Ubolratana, ứng cử viên được đảng thân cựu Thủ tướng Thaksin Thai Raksa Chart đề cử, rút lui chỉ càng củng cố điều này.

Tuy nhiên, điều này không đảm bảo chiến thắng của ông Prayut Chan-o-cha trong cuộc bầu cử sắp tới, khi mà đảng Pheu Thai thân cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn. Tương tự, đảng Dân chủ, chính đảng lâu đời nhất Thái Lan dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, cũng là một thế lực đáng gờm trong cuộc bầu cử lần này. Với cương lĩnh ủng hộ các tiến trình dân chủ, đảng Tương lai mới (FFP) được thành lập giữa năm 2018 do tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit lãnh đạo có thể sẽ giành được một lượng phiếu nhất định từ các tầng lớp cử tri trẻ tuổi.

Như vậy, ngoại trừ FFP, các lực lượng chính trị còn lại đều được lãnh đạo bởi những nhân vật quen mặt với chính trường Thái Lan. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác. Mặc dù chắc chắn nắm trong tay 250 ghế tại Thượng viện, ông Prayut Chan-o-cha vẫn cần có tối thiểu 126 ghế tại Hạ viện để bầu Thủ tướng. Trong trường hợp xấu nhất, đảng Palang Pracharath sẽ buộc phải liên minh với một lực lượng chính trị khác để có thể bầu Thủ tướng và thành lập chính phủ.

Các chính đảng còn lại cũng không đủ thực lực để “một tay che trời” và buộc phải bắt tay với nhau nếu muốn vượt qua thế lực của ông Prayut Chan-o-cha. Không loại trừ khả năng đảng Pheu Thai và FFP liên minh, khi quan điểm chính trị của hai đảng này có nhiều nét tương đồng và đều tập trung vào cử tri trẻ tuổi.

Trong khi đó, đảng Dân chủ, tuy không đủ thực lực để đơn phương thành lập chính phủ, vẫn có thể giành một lượng phiếu lớn từ các cử tri trung thành. Đây sẽ là đối tượng để cả Pheu Thai và Palang Pracharath tranh giành. Điều đáng quan tâm ở đây là liệu đảng này có thể vượt qua những rào cản về quan điểm chính trị để hợp tác với đảng thân cựu Thủ tướng Thaksin hay không. Nếu thành sự thực, kịch bản này có thể châm ngòi trở lại cuộc đối đầu giữa lực lượng chính trị dân sự và quân sự và khiến chính trường Thái Lan một lần nữa chao đảo.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/binh-moi-ruou-cu-tai-thai-lan-87921.html