Bình ổn giá thịt lợn phải giải phần cung ứng

Được dự báo nguồn cung thịt lợn sẽ tăng cao từ tháng 2/2020, do cơ bản ngành chăn nuôi đã kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi và lợn tái đàn đã cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần giá thịt lợn giảm (trung tuần tháng 2), thì đầu tháng 3/2020, giá thịt lợn trên thị trường lại bất ngờ tăng mạnh, thậm chí 'chạm đỉnh' trở lại mốc trước Tết Nguyên đán. Vậy đâu là nguyên nhân cho việc tăng giá bất thường này?.

Nguồn cung vẫn khan hiếm?

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày qua cho thấy, giá thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm đang có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thế, thịt lợn ba chỉ có giá bán dao động trong khoảng từ 150.000 – 17.000 đồng/kg; thịt nạc vai, sườn có giá 170.000-180.000 đồng/kg…

Song song với đó, giá thịt lợn hơi tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ cũng đạt mức 85.000 – 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với thời gian trước Tết. Đây cũng được xem là mức giá cao nhất trong khoảng thời gian gần 3 tháng qua, thậm chí theo một số người chăn nuôi lợn cho biết, mức giá này còn cao hơn thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn lại có dấu hiệu tăng vọt trong những ngày vừa qua

Anh Nguyễn Hữu Thắng, một chủ trang trai nuôi lợn tại Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, so với dịp cuối tháng 2 vừa qua, hiện giá lợn xuất chuồng đã tăng thêm khoảng trên 10.000 đồng/kg. “Giá thịt lợn thời điểm này được xem là lập đỉnh mới, giá tăng cao giúp người nuôi cũng có lãi hơn. Nhà tôi nuôi được mấy chục con, khoảng 10 ngày nữa là xuất chuồng, nhưng thời điểm này nhiều thương lái liên tục tìm đến hỏi mua, nhưng tôi chưa vội nhận lời. Theo tình hình này, giá thịt lợn thời gian tới sẽ còn tăng hơn nữa”, anh Thắng cho hay.

Có thể thấy, sau Tết Nguyên đán, giá thịt lợn hơi trên thị trường được duy trì khá ổn định ở mức trên, dưới 80.000 đồng/kg. Đặc biệt, đầu tháng 2, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong việc bình ổn giá thị trường.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã cam kết bán giá thịt lợn hơi ra thị trường ở mức dưới 75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá thịt lợn tăng vọt những ngày qua, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi, phải chăng việc cam kết này chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn nhảy vọt những ngày qua, theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân chính là do nguồn cung giảm, nguồn thịt lợn nhập khẩu cũng giảm, trong khi đó nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân lại có dấu hiệu tăng mạnh.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sắp tới giảm là thấy rõ, bởi dịch tả lợn châu Phi đã làm cho tổng đàn heo cả nước giảm mạnh. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi về cơ bản đã được khống chế ở nhiều địa phương, nhưng việc tái đàn diễn ra rất chậm vì người chăn nuôi còn lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Cùng với nguồn cung giảm, sắp tới nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng khi học sinh đi học và nhiều bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, công sở hoạt động trở lại, cộng thêm lượng thịt lợn nhập khẩu giảm do dịch cúm Covid-19 tác động, dịch H5N6 ở gia cầm bùng phát ở một số địa phương, khiến mức tiêu thụ thịt lợn của người tiêu dùng tăng cao và thời gian tới có thể xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường.

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng

Dự báo về tình hình giá thịt lợn đầu năm 2020, theo Bộ NN&PTNT nguồn cung thịt lợn trong tháng 2/2020 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn; 330.000 tấn; tháng 3 khoảng 350.000 tấn; tháng 4 khoảng 360.000 tấn; tháng 5 khoảng 360.000 tấn; tháng 6 khoảng 365.000 tấn.

Quý III/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt 1,098 triệu tấn; quý IV là 1,145 triệu tấn…trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh. Song song đó, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đã bắt tay đồng hành cùng Bộ NN&PTNT nhằm bình ổn giá. Đây được xem là một trong những bước đi nhằm giảm giá thịt lợn, hỗ trợ người chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt lợn hơi xuống mức dưới 75.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường 10.000 đồng/1kg thực chất không tác dụng điều tiết giá thị trường. Thậm chí, thời điểm đầu tháng 2 giá thịt lợn giảm mạnh là do nhu cầu sử dụng của người dân giảm, học sinh, sinh viên nghỉ học. Do đó, khi nhu cầu sử dụng tăng lên, trong khi nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ, thì giá tăng lên là điều dễ hiểu.

Theo ông Vũ Vinh Phú, sự tăng, giảm giá thịt lợn những ngày qua không chịu tác động bởi các doanh nghiệp lớn tham gia giảm giá, hay tăng giá mà là do quy luật cung – cầu hàng hóa quyết định. Nói vậy để thấy rằng, khi chúng ta chưa thể xây dựng được chuỗi cung ứng khép kín, thì việc đảm bảo bình ổn giá thị trường cũng sẽ khó thực hiện. Nhất là hiện nay, tư duy chăn nuôi của người dân vẫn còn theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, giá con giống tăng cao trong khi người dân rè rặt tái đàn.

Trước việc tăng vọt về giá thịt lợn những ngày qua, rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã chia sẻ, họ phải tăng lượng xuất bán thịt lợn ra thị trường, nhằm góp phần bình ổn thị trường theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng lượng bán trong thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế và không thể kéo dài mãi, vì một mình các doanh nghiệp không thể “đỡ” cho cả ngành chăn nuôi, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành.

Trong khi đó, việc giảm giá thịt lợn hơi bán ra thị trường của một số doanh nghiệp lớn theo cam kết vô hình chung đã tạo ra tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường, khi giá bán của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần đưa ra những giải pháp nhằm giải tỏa được nạn đầu cơ mà chỉ thương buôn có lợi, người tiêu dùng thậm chí mua với giá cao hơn, trong khi thị trường lại tăng thêm sự bất ổn.

Theo các chuyên gia kinh tế, để không xảy ra cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn trong thời gian tới như dự báo, thì các ngành chức năng cần xác định rõ về tình hình dịch bệnh hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời, giúp người chăn nuôi sớm tái đàn hiệu quả. Ngoài ra, cần tiếp tục nhập khẩu một lượng thịt (lợn, bò, gà) vừa đủ để bù vào số thiếu hụt của thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến nghị người tiêu dùng tạm thời dùng các loại thực phẩm khác để thay thế thịt heo, tăng cường xây dựng chuỗi cung - cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thực. Khi đó, các thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng này đều sẽ được hưởng lợi như nhau. Có như vậy, giá thịt lợn mới thực sự bình ổn.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/binh-on-gia-thit-lon-phai-giai-phan-cung-ung-104308.html