Bình Phước: Báo động sốt xuất huyết

Có tới 2.537 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) được ghi nhận tại Bình Phước tính từ đầu năm đến nay. Tỉnh này đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch cũng như xu hướng ngày càng tăng cao khi đang vào cao điểm mùa mưa…

Sốt xuất huyết tăng… 228%

Dù chưa bước vào mùa cao điểm của dịch nhưng SXH tại tỉnh Bình Phước đang diễn biến hết sức phức tạp. Số ca mắc ghi nhận hàng tuần tăng nhanh và diễn ra ở hầu khắp các huyện, thị, TP trong tỉnh.

 Một ca bệnh đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Phước.

Một ca bệnh đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Phước.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, hiện toàn tỉnh đã có 2.537 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 228% so cùng kỳ. Trong đó 10/11 huyện, TX, TP có số ca mắc tăng cao so cùng kỳ, đặc biệt Bù Gia Mập tăng 287%, Bù Đốp tăng 242%, Đồng Xoài tăng 224%, đã có 1 ca tử vong được ghi nhận tại huyện biên giới Bù Đốp.

Tại Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh những ngày này khá đông ca bệnh SXH đang điều trị nội trú. Đáng chú ý, trước kia những ca bệnh thường chỉ xuất hiện ở khu vực trũng thấp, nhiều cây cối, vùng sâu, vùng xa nhưng hiện nay đã có cả bệnh nhân ở khu vực đông dân cư vốn được vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ.

Bà Trần Thị Hồng Hải, người dân khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, TP Đồng Xoài đang nằm điều trị tại đây cho biết: “Khu vực nhà tôi ở trung tâm thành phố, thoáng đãng, ít cây cối, cũng ít muỗi, không có ao tù nước đọng, cao ráo mà không hiểu vì sao cũng bị SXH, nằm ở đây cũng 2 ngày nay rồi”.

Ông Lê Văn Quang - ngụ khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài cũng chia sẻ: “Không biết nguyên nhân vì sao mình lại bị SXH. Tôi ở ngoài quê vào chơi với các con được một thời gian, tôi cũng thường dọn dẹp nhà cửa giúp các cháu, nhà cửa tương đối sạch sẽ, ít muỗi mà không hiểu sau cũng bị SXH.”

Tại ấp Tân Phước, xã Phước Thiện, huyện biên giới Bù Đốp, cả ấp chỉ có 120 hộ nhưng đến nay đã có hơn 20 hộ có người bị mắc bệnh SXH. Bà Đặng Thị Sinh (ấp Tân Phước, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) cho biết: “Bị SXH, tôi phải nằm viện gần 15 ngày mới được về nhà, gia đình có 7 người thì hiện đã có 5 người bị SXH. Tối nào đi ngủ gia đình tôi cũng cẩn thận, căng màn, dùng vợt muỗi bắt muỗi. Thế nhưng, không hiểu sao vẫn bị".

Dân phải tự phòng tránh

BS Đinh Văn Minh - Khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh Bình Phước cho biết: "SXH đang ngày càng diễn biến phức tạp hơn, từ nguồn lây nhiễm cho đến phác đồ điều trị. Nhiều người dân vẫn còn chủ quan với bệnh này. Khi có dấu hiệu sốt lại không đi khám bệnh ngay mà tự ý mua thuốc hạ sốt về uống. Nhiều ca bệnh đến bệnh viện khi đã sốt kéo dài 3, 4 ngày. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chữa bệnh gặp khó khăn, gây ra các biến chứng nghiêm trọng”.

Lực lượng y tế phun xịt hóa chất tại các ổ dịch.

Ông Quách Ái Đức, GĐ Sở Y tế tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, khuyến cáo đến các địa phương, người dân cần chủ động trong công tác phòng, chống SXH. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang tiếp tục giám sát chặt chẽ các ca bệnh thông qua hệ thống báo cáo gửi về hàng ngày, qua đó phát hiện sớm các ổ dịch. Từ đầu năm đến nay đã có 112 ổ dịch được xử lý”.

Hiện SXH không có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chủ động phòng tránh bệnh vẫn là phương pháp tối ưu, đặc biệt là đối với những đối tượng chưa mắc bệnh nhưng sống trong vùng dịch. Khi có nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

“Trước đây dịch SXH chỉ xuất hiện vào mùa mưa kéo dài nhưng trong năm nay, dịch diễn biến sớm và kéo dài lâu hơn. Mọi năm việc chữa trị cho bệnh nhân chỉ 6 - 7 ngày là khỏi nhưng năm nay có trường hợp chữa trị cả chục ngày, nửa tháng”, BS Đinh Văn Minh - Khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh Bình Phước cảnh báo.

DƯƠNG HINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/binh-phuoc-bao-dong-sot-xuat-huyet-post245406.html