Bình Phước: Minh bạch trong đấu thầu

Với 446 gói thầu đấu thầu qua mạng trong tổng số 720 gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM (chiếm tỷ lệ 61,9 tổng số gói thầu), Bình Phước hiện là 1 trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về đấu thầu qua mạng.

Theo thống kê, năm 2019 chỉ 4 địa phương có tỷ lệ gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm trên 50% trong tổng số gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng (số gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi) và có tổng giá trị đấu thầu qua mạng đạt trên 15% so với tổng giá gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ đặt ra yêu cầu, phấn đấu đưa tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng (năm 2019) bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

Đồng thời, Chỉ thị 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu ngày 24/5/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng, đảm bảo tỷ lệ đấu thầu qua mạng năm 2019 theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

Trước đó, Bình Phước được xem là “vùng trắng” về đấu thầu qua mạng. Thời gian này, các đơn vị vẫn còn khó khăn về trang bị kỹ thuật, hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ công tác đấu thầu qua mạng. Hầu hết các chủ đầu tư, bên mời thầu chưa quen, hoặc ngại đấu thầu qua mạng, đây có thể là nguyên nhân dẫn tới việc Bình Phước triển khai chậm so với lộ trình của Chính phủ. Năm 2018, Bình Phước chỉ có 18 gói thầu đấu thầu qua mạng, chiếm tỷ lệ 3,5%, là đơn vị đứng thấp nhất cả nước. Nhưng sau 1 năm, những con số về đấu thầu qua mạng đã có sự thay đổi lớn.

Ông Võ Sá – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cho biết, Bình Phước luôn xác định đấu thầu qua mạng là xu hướng phát triển tất yếu của công tác đấu thầu, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế...

Với mục tiêu tăng tỷ lệ gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, Bình Phước đã chủ động đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông về đấu thầu qua mạng, thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan, khuyến khích và thay đổi nhận thức cho nhà thầu trong quá trình chuyển đổi từ hình thức lựa chọn nhà thầu trực tiếp (truyền thống) sang lựa chọn nhà thầu qua mạng. Bình Phước luôn đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu trên thị trường, tạo cơ sở pháp lý trong việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đơn cử như UBND huyện Lộc Ninh, một huyện biên giới của Bình Phước, chưa quen với đấu thầu qua mạng, nhưng đã chủ động đề xuất thực hiện đấu thầu qua mạng gói thầu xây lắp quy mô lớn với giá trị trên 185 tỷ đồng, ông Võ Sá chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bình Phước đã chủ động phối hợp với Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tổ chức các khóa đào tạo cho hơn 700 học viên thực hiện công tác đấu thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước rà soát một cách chặt chẽ, các gói thầu đủ điều kiện, tiêu chí là phải đấu thầu qua mạng, kiên quyết từ chối thẩm định các gói thầu đủ điều kiện đấu thầu qua mạng mà các bên mời thầu không đề nghị.

Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, năm 2019, Bình Phước được ghi nhận là một trong những điểm sáng về công tác đấu thầu qua mạng. Là 1 trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đấu thầu qua mạng với 446 gói thầu đấu thầu qua mạng trong tổng số 720 gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 61,9 tổng số gói thầu) và đạt tỷ lệ 72,7% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng có tổng giá trị thực hiện đấu thầu qua mạng là 3.967,4 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng là 5.459,4 tỷ đồng, ông Võ Sá cho biết.

Bình Phước đã chủ động phối hợp với Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tổ chức các khóa đào tạo cho hơn 700 học viên thực hiện công tác đấu thầu

Công tác đấu thầu qua mạng là một phần quan trọng của Chính phủ điện tử, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình tương tác giữa các bên gồm chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ. Đấu thầu qua mạng góp phần nâng cao khả năng quản trị của Nhà nước, sử dụng hợp lý ngân sách, phát triển kinh tế xã hội, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, hệ thống đấu thầu qua mạng còn đảm bảo được sự công bằng, minh bạch, hạn chế tối đa vấn nạn thông thầu, giúp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bớt nhân lực phát hành hồ sơ mời thầu, đấu thầu qua mạng còn có nhiều ưu điểm. Trong đó, có việc nâng cao tính bảo mật, khi nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu, dễ giám sát, giảm tiêu cực trong đấu thầu... Theo đại diện một doanh nghiệp ở Bình Phước, đấu thầu qua mạng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vào các dự án công. Đấu thầu qua mạng góp phần hạn chế tiêu cực trong đấu thầu, tăng tính công khai minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian, không phải in ấn hồ sơ, mọi thông tin đều có thể chuyển qua mạng rất thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, xử lý nghiêm chủ đầu tư, bên mời thầu và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, ông Võ Sá nhấn mạnh.

4 địa phương dẫn đầu cả nước về đấu thầu qua mạng năm 2019

Dẫn đầu là Hòa Bình với 391 gói thầu đấu thầu qua mạng trong tổng số 599 gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 65,3% tổng số gói thầu) và đạt 26,2% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng (tổng giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là 907,8 tỷ đồng và tổng giá gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng 3.467,7 tỷ đồng).

Đứng thứ 2 là Thanh Hóa với 829 gói thầu đấu thầu qua mạng trong tổng số 1.284 gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 64,6% tổng số gói thầu) và đạt 43,1% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng (tổng giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là 3.611,5 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng là 8.371,2 tỷ đồng).

Đứng thứ 3 là Đà Nẵng với 498 gói thầu đấu thầu qua mạng trong tổng số 802 gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 62,1% tổng số gói thầu) và đạt tỷ lệ 32,8% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng (tổng giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là 1.260 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng là 3.846,5 tỷ đồng).

Bình Phước đứng thứ 4 với 446 gói thầu đấu thầu qua mạng trong tổng số 720 gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 61,9 tổng số gói thầu) và đạt tỷ lệ 72,7% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi đấu thầu qua mạng (tổng giá trị thực hiện đấu thầu qua mạng là 3.967,4 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng là 5.459,4 tỷ đồng).

Minh Ngọc

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/binh-phuoc-minh-bach-trong-dau-thau-167489.html