Bình Phước: Mỗi năm chi 5 tỷ đồng sửa chữa, bảo trì công trình thủy lợi, cấp nước nông thôn

Sáng nay 20-5, đoàn công tác của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Phước do Phó chủ tịch HĐND, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết làm trưởng đoàn đã giám sát tại Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước (Công ty thủy lợi Bình Phước) về quản lý, duy tu, bảo dưỡng các hồ, đập, thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Công ty thủy lợi Bình Phước được UBND tỉnh giao quản lý và khai thác 54 công trình thủy lợi và 16 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, 48 hồ chứa có dung tích hơn 83 triệu m3, 4 đập dâng, 1 trạm bơm và hệ thống kênh tưới sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn có chiều dài 125km. Các công trình thủy lợi do công ty quản lý khai thác đang hợp đồng cấp nước tưới cho 5.493 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Công ty thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần kiến nghị tại buổi giám sát

Chủ tịch Công ty thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần kiến nghị tại buổi giám sát

Do nguồn thu hạn chế nên hàng năm tổng kinh phí sửa chữa, bảo trì các công trình thủy lợi và cấp nước chỉ bố trí được khoảng 5 tỷ đồng cho các công trình do Công ty thủy lợi Bình Phước quản lý. Hiện nay, có khoảng 30 công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng trên 15 năm nên một số công trình đã xuống cấp, mái đập bị xói lở, sạt, trượt; thân đập xuất hiện nhiều vết thấm lớn; lòng hồ bị bồi lắng, không đảm bảo dung tích phục vụ trong mùa khô hàng năm, cũng như an toàn khi tích nước trong mùa mưa lũ.

“Cần phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ của Công ty thủy lợi Bình Phước để có cơ chế vay vốn”- Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết nhấn mạnh

Đối với công trình cấp nước tập trung do công ty quản lý khai thác đã đảm bảo nguồn nước sạch cho trên 4.600 hộ gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở các địa phương. Tuy nhiên, 14 công trình có quy mô công suất từ 200 đến 800 m3/ngày tại khu vực nông thôn nhưng sản lượng nước thực tế sử dụng đạt thấp. Đồng thời, hầu hết mạng lưới đường ống cấp nước sạch nông thôn đều được thiết kế sử dụng loại vật liệu rất dễ vỡ, nên đã xảy ra nhiều sự cố, dẫn đến người dân sử dụng nước ở khu vực này bất an.

Tại buổi giám sát, Công ty thủy lợi Bình Phước kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh xem xét, thông qua Phương án giá dịch vụ thủy lợi theo quy định của Nghị định 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ; ưu tiên bố trí 18 tỷ đồng để cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước các hồ đập và kết hợp lập hồ sơ giao đất các công trình thủy lợi; thuận chủ trương cho công ty được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển để nâng cấp các công trình cấp nước tập trung theo mục tiêu cấp nước an toàn. Đồng thời, mong muốn các địa phương trong tỉnh phối hợp bảo vệ và khai thác, đầu tư cho các công trình thủy lợi…

Kết luận buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của công ty trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sạch cho nhân dân theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu đơn vị làm rõ hơn một số vấn đề mà các thành viên trong đoàn giám sát trao đổi và có báo cáo về Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh để thông qua, có ý kiến tại kỳ họp tới.

Thanh Mảng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/133282/binh-phuoc-moi-nam-chi-5-ty-dong-sua-chua-bao-tri-cong-trinh-thuy-loi-cap-nuoc-nong-thon