Bình Phước: Tìm giải pháp cải thiện chỉ số CPI, DDCI phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngày 30/8, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Bình Phước; Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Bình Phước năm 2022, phương hướng và giải pháp năm 2023.

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Đức Minh)

Những thay đổi tích cực

Trong 2 năm triển khai (2021 và 2022), bộ chỉ số DDCI đã cung cấp những thông tin quan trọng từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Bộ chỉ số DDCI được tỉnh Bình Phước xác định là một công cụ hữu hiệu để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2022, bộ chỉ số DDCI Bình Phước đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2021 để tương thích với những thay đổi của bộ chỉ số PCI 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố. Cụ thể, cấp sở, ban, ngành tỉnh được bổ sung 22 chỉ tiêu, chỉnh sửa 13 chỉ tiêu, giữ nguyên 32 chỉ tiêu, loại bỏ 15 chỉ tiêu không phù hợp; cấp địa phương bổ sung thêm 20 chỉ tiêu, chỉnh sửa 11 chỉ tiêu, giữ nguyên 47 chỉ tiêu, loại bỏ 13 chỉ tiêu.

Bộ chỉ số DDCI đối với khối sở, ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần, với 66 chỉ tiêu, tăng 6 chỉ tiêu so với năm 2021; đối với khối địa phương gồm 9 chỉ số, 77 chỉ tiêu, tăng 6 chỉ tiêu so với năm 2021.

Trên cơ sở khảo sát của đơn vị tư vấn tại 1.584 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có 609 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ tham gia đánh giá khối địa phương; 582 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ tham gia đánh giá khối sở, ban, ngành và 393 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia đánh giá cả 2 khối. So với năm 2021, quy mô khảo sát năm 2022 đã tăng thêm 84 doanh nghiệp.

Qua khảo sát, đơn vị tư vấn đã đánh giá xếp hạng đầy đủ 11 đơn vị thuộc khối địa phương và 16/20 đơn vị khối sở, ban, ngành. Kết quả 4 sở, ban, ngành vẫn chưa đủ phiếu xếp hạng. Về các chỉ số tổng hợp DDCI, điểm DDCI của cả 2 khối đều tăng so với năm trước, trong đó khối sở, ban, ngành có sự tăng điểm khá mạnh, khối địa phương tăng nhẹ. Điều này phần nào cho thấy sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các cơ quan công quyền ở cả hai khối.

Về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Bình Phước, năm 2022 tăng mạnh 2,15 điểm (từ 62,17 điểm lên 64,32 điểm), thứ hạng tăng 7 bậc từ vị trí 50/63 lên 43/63 tỉnh, thành, xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước.

So sánh với khu vực Đông Nam Bộ, chỉ có Bình Phước cùng Bà Rịa - Vũng Tàu tăng điểm số và thứ hạng; còn lại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh cùng bị giảm điểm số và thứ hạng. Mặc dù vẫn xếp thứ 5/6 tỉnh, thành trong khu vực, nhưng trong năm qua Bình Phước có nhiều nỗ lực để rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành còn lại.

Đối với chỉ số Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được công bố lần đầu tiên từ năm 2022, Bình Phước đạt 14,36 điểm, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Các chỉ số cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó

Thời gian qua,Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, qua phân tích 142 chỉ tiêu con của 10 chỉ số thành phần PCI và 41 chỉ tiêu con của 4 chỉ số thành phần PGI năm 2022 cho thấy, các chỉ số đạt thấp. Nguyên nhân được cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc được hướng dẫn và thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.

Các đại biểu cho rằng, thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Bình Phước được phản ánh qua khảo sát đang rất khó khăn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Đáng chú ý là tình hình an ninh trật tự vẫn tiếp tục là một vấn đề đáng chú ý ở tỉnh Bình Phước và cần được cải thiện. Trung bình toàn tỉnh Bình Phước vẫn có tới 57% doanh nghiệp đánh giá hiện tượng trộm cắp, đột nhập trái phép còn phổ biến; 45% doanh nghiệp đánh giá hiện tượng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, vi phạm quy định bảo vệ môi trường còn phổ biến; 53% doanh nghiệp phản ánh phải bỏ nhiều chi phí để thuê các dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự; 15% phản ánh hiện tượng bảo kê còn phổ biến trên địa bàn; 14% doanh nghiệp cho biết phải trả phí bảo kê để được yên ổn kinh doanh.

Đơn vị tư vấn đã có những khuyến nghị nhằm cải thiện chỉ số DDCI trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần lắng nghe và chủ động hơn nữa trong việc tìm ra các giải pháp và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ngành nghề và tại các địa bàn cụ thể. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh đồng bộ hóa, kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trên toàn tỉnh, để giảm bớt việc người dân và doanh nghiệp phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ đã được xác nhận trước đó.

Với các sở, ban ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến. Đồng thời, cần rà soát lại nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng hồ sơ nộp trực tuyến bị “ngâm” ở phòng chờ; tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kịp thời với nhu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao.

Đối với các địa phương, các đại biểu cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; liên quan tới vấn đề tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh. Năm 2022 có khoảng 49% doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh, giảm so với tỷ lệ 60% của năm 2021. Tuy nhiên, đây vẫn là một tỷ lệ đáng chú ý và cần tiếp tục được cải thiện.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đề nghị, trên cơ sở ý kiến phân tích, khuyến nghị của các chuyên gia VCCI, đơn vị tư vấn DDCI, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương tổ chức rà soát kỹ các hạn chế, đề ra các giải pháp hữu hiệu tổ chức thực hiện nhằm cải thiện chỉ số DDCI tại cơ quan, đơn vị nói riêng và chỉ số PCI nói chung. Tiếp tục đổi mới về tư duy, nhận thức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chủ động tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và phản ánh đến các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét giải quyết kịp thời, hiệu quả.../.

Đức Minh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-phuoc-tim-giai-phap-cai-thien-chi-so-cpi-ddci-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-645417.html