Bình Thuận: Bác sĩ ồ ạt rời bệnh viện công

Thời gian qua, nhiều bác sĩ tại tỉnh Bình Thuận được cử đi đào tạo bằng ngân sách để về phục vụ cho địa phương nhưng sau đó nghỉ việc, chuyển công tác. Sự việc xảy ra trong nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

Lương thấp, bố trí công việc không phù hợp

Bác sĩ V.H.V. là một trong số những trường hợp được cử đi học theo chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế để về công tác tại bệnh viện công tại Bình Thuận. Năm 2012, ông được cử đi học bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng tại Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Khi trở về, ông được bố trí công tác tại một bệnh viện công tại địa phương. Làm việc được một thời gian, vị bác sĩ này chấp nhận bồi thường kinh phí trước đó được cấp cho đi đào tạo rồi chuyển về công tác tại một bệnh viện tư ở TPHCM với nhiều chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn.

"Lương thấp, công việc bố trí lại không phù hợp với chuyên môn. Lúc đó, tôi sợ cảm giác đến bệnh viện mà không biết làm gì”, bác sĩ V. chia sẻ.

Cán bộ, viên chức ngành y tế tỉnh Bình Thuận tổ chức tiêm vaccine trong đợt dịch Covid-19

Theo tìm hiểu, người được đưa đi đào tạo bác sĩ phải có đơn xin hỗ trợ kinh phí, cam kết bằng văn bản trở về công tác tại tỉnh từ 10 năm trở lên và chấp nhận sự phân công công tác của cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bác sĩ, sinh viên học xong chưa về tỉnh phục vụ ngày nào, số ít còn lại về làm việc được 1 - 2 năm rồi chấp nhận “phá vỡ hợp đồng” để ra đi.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đã có 2 bác sĩ khoa ngoại nộp đơn xin nghỉ việc và chấp nhận đền hợp đồng sau khi được cử đi đào tạo chuyên sâu về. Không chỉ những bác sĩ được đi học bằng ngân sách nghỉ việc, trong năm 2023, bệnh viện còn có 14 bác sĩ thuộc đối tượng không ràng buộc cũng đồng loạt xin nghỉ việc.

Nói về vấn đề này, ông Lê Huỳnh Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận chua chát, nói: “Để đào tạo, huấn luyện một bác sĩ, nhất là bác sĩ khoa ngoại có trình độ, tay nghề cao không phải là chuyện đơn giản. Vậy nhưng, sau khi được học nâng cao trở về, những bác sĩ này lại “dứt áo ra đi”, uổng phí công sức đào tạo, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh”.

Bên cạnh đó, còn một thực tế khác đang diễn ra tại bệnh viện này, đó là nhiều bác sĩ mới tốt nghiệp xin vào làm cho đủ 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề, sau đó rời đi các bệnh viện tư khác với mức lương cao hơn.

“Theo quy định, mức lương của một bác sĩ mới ra trường tại bệnh viện công hiện nay chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, có thời điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện công thiếu, chưa phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn nên nhiều bác sĩ không mặn mà ở lại công tác”, ông Lê Huỳnh Phúc chia sẻ thêm.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 124 bác sĩ xin nghỉ việc, trong đó có gần 40 bác sĩ được tỉnh cử đi đào tạo bằng ngân sách, dẫn đến khu vực bệnh viện công tại tỉnh hiện chưa đáp ứng được nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Về nguyên nhân, UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận do chính sách hỗ trợ đào tạo, chính sách thu hút và môi trường làm việc tại địa phương chưa đủ hấp dẫn so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, có trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để được đào tạo bác sĩ, sau khi học xong thì đền bù kinh phí, chuyển công tác.

Làm sao để thu hút, giữ người?

Trước thực trạng bác sĩ được cho đi đào tạo liên tục xin nghỉ việc, lực lượng bác sĩ chất lượng cao lại đang thiếu hụt nghiêm trọng, mới đây, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế.

Theo đó, các đối tượng được nhà nước cử đi học bác sĩ theo quy định sẽ được hỗ trợ 100% học phí. Đối với bác sĩ được thu hút vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, sẽ được hưởng chế độ với mức nhận một lần từ 600 - 800 triệu đồng. Đối với bác sĩ được mời tham gia dự án, sẽ được hưởng 80 triệu đồng/tháng…

Ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, việc nghị quyết trên ra đời phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, chắc chắn sẽ thu hút được các bác sĩ giỏi về phục vụ địa phương. Tuy nhiên, chuyện "giữ chân" được đội ngũ bác sĩ giỏi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Lực lượng y tế thăm khám cho người dân trong đợt dịch Covid-19

“Một bác sĩ được đào tạo về thì phải được thể hiện, cống hiến. Đồng thời, họ phải có được môi trường làm việc tốt, có cơ hội học hỏi nâng cao trình độ và mức thu nhập phải tương đối… Có được những điều này sẽ hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân”, ông Đặng Thức Anh Vũ nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận Lê Huỳnh Phúc lại cho rằng, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa đối với những trường hợp bác sĩ được cho đi đào tạo nhưng không về phục vụ địa phương để tránh xảy ra làn sóng bác sĩ ồ ạt rời bệnh viện công, tạo lỗ hổng về nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế.

TIẾN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/binh-thuan-bac-si-o-at-roi-benh-vien-cong-post715511.html