Bình Thuận hướng đến trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia

Cùng với dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind thì dự án điện khí LNG Kê Gà vừa qua đã được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030 tầm nhìn 2045, điều này sẽ góp phần đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng quốc gia.

Tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Thuận vào ngày 23/7 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương và giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu đưa dự án điện khí LNG Kê Gà vào Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8) để trình Chính phủ trong tháng 08/2020. Thủ tướng cho rằng, cùng với Vĩnh Tân, thì việc phát triển điện khí và điện năng lượng tái tạo sẽ giúp Bình Thuận là một trong những Trung tâm năng lượng quốc gia.

Dự án điện khí LNG Kê Gà được Công ty Đầu tư và Quản lý Energy Capital Việt Nam (ECV) và UBND tỉnh ký Bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019. Liên doanh nhà đầu tư gồm ECV (Mỹ), Tập đoàn KOGAS (Hàn Quốc) và Tập đoàn Excelerate (Mỹ). ECV cũng đang hợp tác với Exelon (NASDAQ: EXC) – công ty sản xuất năng lượng sạch lớn nhất Mỹ - trong việc phát triển và vận hành dự án. Dự án có công suất thiết kế 3.600 MW với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD dự án được đặt tại xã Tân Thành và Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (gần mũi Kê Gà), đường dây truyền tải được nhà đầu tư đề xuất xây dựng và dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.

Phối cảnh dự án nhà máy điện khí LNG Mũi Kê Gà với mô hình FSRU

Phối cảnh dự án nhà máy điện khí LNG Mũi Kê Gà với mô hình FSRU

Theo thông tin của nhà đầu tư và hồ sơ đã nộp, đây là dự án nhận được sự ủng hộ chính thức của Chính phủ Mỹ. Qua đó, đại sứ quán Mỹ đã 02 lần gởi công hàm tới Bộ Công Thương vào năm 2019. Ngoài ra, trong tháng 03/2020, công hàm riêng từ Thứ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ cũng đã được chuyển đến lãnh đạo Bộ Công Thương. Tháng 07/2020, Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Mỹ cũng đã gởi yêu cầu Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ủng hộ việc nhanh chóng đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện quốc gia hiện hành.

Theo kế hoạch, dự án chia làm 03 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 với công suất 1.200 MW dự kiến hoàn thành vào năm 2024 với tổng chi phí khoảng 1,8 tỷ USD. Nguồn nguyên liệu LNG phục vụ sản xuất được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ. Theo hồ sơ nhà đầu tư đã nộp cho Bộ, banngành thì nguồn lực tài chính cho triển khai dự án đã sẵn sàng, ECV đã ký hợp đồng pháp lý với Deutsche Bank làm cố vấn tài chính và thu xếp cho khoản vay lên đến 1,5 tỷ USD cho giai đoạn 1 .

“Với sự phát triển ổn định của ngành điện hơn 60 năm vừa qua và kinh nghiệm quản trị rủi ro của nhóm nhà đầu tư, chúng tôi cam kết thực hiện dự án theo đúng chủ trương của Chính phủ hiện nay và chia sẻ rủi ro của dự án tại Việt Nam thành những rủi ro tại những quốc gia hàng đầu khác trên thế giới thông qua các hợp đồng bảo hiểm”, đại diện phía ECV cho biết.

Về hình thức đầu tư, phía các nhà đầu tư đề xuất dự án theo hình thức BOO (IPP) nhằm giảm yêu cầu về bảo lãnh chính phủ qua đó có thể đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Bên cạnh đó, vị trí khu vực bờ biển nhà đầu tư đã thỏa thuận với tỉnh Bình Thuận cho dự án LNG Mũi Kê Gà nằm trên cùng khu vực bờ biển với dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind nên theo đề xuất của đơn vị tư vấn thì cả 02 nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ sử dụng chung hệ thống đấu nối vào trạm 500 kV.

Đánh giá về tầm quan trọng của dự án điện khí LNG Kê Gà trong phát triển kinh tế xã hội của Bình Thuận ông Nguyễn Ngọc Hai- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định – Dự án điện khi LNG Kê Gà là một dự án hết sức tiềm năng, dự án gồm một nhà máy điện khí và một kho cảng nổi cách bờ biển khoảng 5 km trên diện tích mặt biển khoảng 2 km2. Chúng tôi đã lắng nghe 03 lần và cũng đã thẩm định kiểm tra rất kỹ cả về vấn đề đất đai cũng như các vấn đề hàng hải, dân sinh trên bờ. Nếu dự án được đưa vào thực hiện sẽ giúp Bình Thuận phát huy được thế mạnh trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Bình Thuận trở thành một Trung tâm năng lượng quốc gia.

Kho nổi hóa khí ngoài khơi (FSRU) do Excelerate- thành viên nhóm đầu tư đã phát triển và đang vận hành tại Brazil

Thiết kế hệ thống neo và hệ thống ống chìm cung cấp khí cho nhà máy điện từ FSRU

“Sau khi Thủ tướng chấp thuận dự án trên bổ sung vào quy hoạch, Bình Thuận sẽ phối hợp với các bộ ngành Trung ương để xem xét điều chỉnh các quy hoạch và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế gắn kết với phát triển các lợi thế của địa phương để Bình Thuận trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế lâu dài và bền vững”, ông Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG được đánh giá là sạch và có hiệu suất rất cao, chi phí vận hành, bảo trì thấp hơn so với nhà máy nhiệt điện than; chế độ vận hành linh hoạt, có khả năng điều tần. Do đó, các ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường, cảnh quan du lịch, an sinh xã hội được giảm thiểu và được kiểm soát chặt chẽ.

Đến thời điểm hiện nay (23/7) và cuối năm 2020, Bình Thuận đã có trên 6.077 MW điện, năm 2019 Bình Thuận cũng đã sản xuất và đưa lên lưới quốc gia 26 tỷ kWh và phấn đấu năm 2020 con số này sẽ đạt 32.000 kWh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-thuan-huong-den-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-quoc-gia-141420.html