Bình Thuận ngăn chặn nạn đầu cơ, 'thổi giá' bất động sản

Nhiều vấn đề nóng như địa ốc, bất động sản, tình trạng ngập úng... trong đó chuyện chống ngập bằng cái lu được chất vấn quyết liệt.

Ngày 24-7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai, chất vấn và trả lời chất vấn.

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Hải đã trả lời về quá trình triển khai đầu tư xây dựng công trình đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Trần Hưng Đạo, Phan Thiết), có thực hiện việc giải tỏa và bố trí đất tái định cư cho các hộ dân.

Tuy nhiên, do trên đường có đường dây điện trung thế 22KV đi dọc trên vỉa hè nên một hộ dân khi xây dựng nhà ở đến tầng hai thì bị vướng phạm vi an toàn lưới điện.

Ông Hải cho biết, đến nay, các đơn vị liên quan thực hiện xong việc di dời đường dây điện trung thế. Ông Hải thừa nhận việc di dời đường dây điện chậm tiến độ có phần do trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các cơ quan chức năng chưa chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng về quỹ đất tái định để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa. Do đó còn để xảy ra tình trạng đất tái định cư chưa bảo đảm các điều kiện cho hộ dân có thể xây dựng nhà ở như trường hợp nêu trên, gây bức xúc.

Phiên chất vấn đã thực sự “nóng” lên khi Giám đốc Sở Xây dựng Xà Dương Thắng trả lời về tình trạng một số dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật nhưng đã tiến hành kinh doanh bất động sản.

Ông Xà Dương Thắng Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn.

Cụ thể trên địa bàn toàn tỉnh có 32 dự án kinh doanh bất động sản và 44 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản đã được chấp thuận đầu tư; trong đó, mới có 10 dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh (nhất là ở các địa phương Phan Thiết, Hàm Tân, La Gi) xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư, đơn vị phân phối và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng thông qua các hình thức hợp đồng góp vốn, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí… để thu tiền của khách hàng khi bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Tình hình trên diễn biến khá phức tạp, đang gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa Kỳ họp cho rằng có nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin nghe theo quảng cáo đã thiệt hại không ít khi hợp đồng mua bán, chuyển nhượng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tọa kỳ họp.

Ông Hùng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các công việc cắm biển cảnh báo tại các khu vực có hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật để người dân hiểu rõ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; không tham gia mua bán, chuyển nhượng đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành chức năng và của các địa phương để người dân được biết.

Tiếp tục rà soát, theo dõi, khuyến cáo, yêu cầu các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải chấp hành nghiêm pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” bất động sản để lừa đảo, trục lợi, gây thiệt hại cho người dân, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển của tỉnh. Trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản thì phải kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Cần phải có giải pháp, phương án thống nhất, xử lý ra sao, xử lý thế nào và tỉnh cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc này”, ông Hùng nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Mai Kiều trả lời về việc thi công hệ thống kênh thuộc dự án thủy lợi Tà Pao đi qua địa bàn huyện Đức Linh có đoạn làm cao hơn mặt đường, ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất và đi lại của người dân.

Cụ thể hệ thống kênh đã làm ngăn cách 2 khu vực dẫn đến hơn 33 ha đất không thể canh tác và dân không có đường đi qua khu sản xuất và ngập úng. Theo ông Kiều, trách nhiệm để xảy ra tình trạng như cử tri phản ánh thuộc về Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các công trình qua kênh hiện nay cao hơn mặt ruộng chủ đầu tư sẽ cho xử lý đắp chuyển tiếp từ đường hiện hữu đến mặt cầu qua kênh để đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại sản xuất. Do hiện trạng trước đây không có đường giao thông hiện hữu nên trong hồ sơ thiết kế không có bố trí cầu qua kênh.

Trước mắt, chủ đầu tư sẽ đề nghị nhà thầu thi công bổ sung một số vị trí qua kênh phục vụ sản xuất bằng tấm đan bê tông cốt thép. Về lâu dài sẽ phối hợp với địa phương khảo sát thực tế và kiến nghị bổ sung công trình qua kênh tại vị trí này.

Đối với việc ngập úng, ông Kiều cho rằng hồ sơ thiết kế công trình có bố trí sáu
cống tiêu luồn qua kênh nhằm giải quyết việc tiêu thoát nước của khu tưới. Hiện tại, đã thi công được ba cống tiêu còn lại chưa thi công do vướng mặt bằng.

“Vấn đề ngập úng cục bộ trong khu tưới hiện nay là do khi mưa lớn xảy ra có ngập ủng cục bộ một số đám ruộng trũng thấp. Trong quá trình thi công làm bồi lắp một số mương tiêu, hiện nay đơn vị thi công đã khơi thông nên không còn xảy ra tình trạng ngập úng nữa”, ông Kiều nói.

Tuy nhiên đại biểu Hồ Trung Phước không đồng tình với câu trả lời này, đại biểu Phước cho biết ông đã trực tiếp khảo sát khu vực này. “Hệ thống miệng cống thiết kế quá hẹp, không thể thoát kịp và hết nước mưa nên xảy ra tình trạng ngập úng”, ông Phước khẳng định.

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện ví von: “Đây là lỗi khảo sát, thiết kế dẫn đến ngập úng nên sao có thể đặt lu xuống chứa nước được. Cái chính ở đây là thoát nước chứ không phải chứa nước mà đặt hệ thống lu”.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện ví von về cái lu.

Ông Mai Kiều hứa sẽ cử chuyên viên kiểm tra ngay do công trình này đơn vị tư vấn của Bộ NN&PTNT.

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tọa kỳ họp đề nghị tỉnh chỉ đạo khảo sát thực tế và kiến nghị bổ sung công trình cầu qua kênh; thi công các cống tiêu luồn qua kênh theo hồ sơ thiết kế công trình nhằm giải quyết việc tiêu thoát nước của khu tưới.

Ông Hùng yêu cầu giám đốc Sở NN&PTNT kiểm tra ngay và có trả lời rõ lúc nào thì công trình này hoàn thành.

Cũng tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời về tình hình các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh chậm triển khai.

Theo đó tính đến nay, trên địa bàn bàn tỉnh có 1.498 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích gần 60.000 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 300.000 tỉ đồng; trong đó có 140 dự án chậm triển khai xây dựng, chiếm tỉ lệ 9,3%.

Việc chậm triển khai các dự án nói trên do nhiều nguyên nhân; có những nguyên nhân khách quan như: Khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; kết cấu hạ tầng một số khu vực dự án còn thiếu hoặc chưa đồng bộ; do chồng lấn quy hoạch ti tan, vướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đất rừng...

Nhưng cũng có các nguyên nhân chủ quan đó là: Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; một số nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư...

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, theo dõi, rà soát tình hình triển khai đầu tư của các dự án trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất hướng xử lý đối với các dự án chậm triển khai. Qua đó, trong hai năm 2017-2018, UBND tỉnh đã thu hồi 73 dự án, chủ trương đầu tư và cho gia hạn 96 dự án chậm triển khai.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/binh-thuan-ngan-chan-nan-dau-co-thoi-gia-bat-dong-san-847871.html