Bình Thuận: Nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây thanh long

Tỉnh Bình Thuận có diện tích trồng cây thanh long chiếm 80% sản lượng thanh long của cả nước. Những năm qua, thanh long trở thành cây làm giàu của nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ thanh long còn bấp bênh, nhiều thời điểm phải 'giải cứu'. Để phát triển bền vững, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng chế biến, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường.

Trồng thanh long tiêu chuẩn VietGAP

Những ngày qua, do tác động của dịch Covid-19, mặc dù giá thanh long thông thường sụt giảm, song gia đình ông Võ Văn Bình (ngụ tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn bán được giá ổn định (17.000-25.000 đồng/kg). Với 3.200 trụ thanh long, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng/vụ. Theo ông Bình, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi cao về nhiều mặt, từ giống, chất lượng, quy trình, kỹ thuật đến cách sử dụng thuốc bảo vệ, công sức... so với trồng thanh long thông thường. Do sản phẩm chất lượng nên khi chuẩn bị thu hoạch, các doanh nghiệp đã chủ động liên hệ thu mua với gia đình ông.

Hiện, tỉnh Bình Thuận có hơn 30.000ha thanh long, sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm, trong đó diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm hơn 30%. Triển khai trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, Bình Thuận chủ động quy hoạch, xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành các tổ, hợp tác xã (HTX) sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 500 tổ, HTX. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thay đổi tập quán, phương pháp sản xuất của nông dân, đồng thời bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế, lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.

Tuy nhiên, hiện không ít nông dân vẫn e dè, chưa mặn mà với mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho rằng, nguyên nhân chính là không ít nông dân còn theo tập quán sản xuất cũ, nhận thức, kỹ thuật, vốn hạn chế, trong khi quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP khắt khe và tốn nhiều công sức. Chính vì vậy, nhiều nông dân vẫn trồng thanh long theo cách cũ nhằm chạy theo lợi nhuận trước mắt. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc trồng thanh long tự phát theo thời vụ, phá vỡ quy hoạch dẫn đến sản lượng tăng nhanh nhưng chất lượng còn hạn chế, cung vượt cầu, gây khó trong quản lý của ngành chức năng.

Người dân trồng thanh long tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Để khắc phục vấn đề trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó coi trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, trình độ, chuyên môn kỹ thuật cho nông dân, làm cho họ thấy rõ vị trí, vai trò, hiệu quả ổn định của việc trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh Bình Thuận cũng có chính sách hỗ trợ vay vốn cho nông dân chuyển đổi mô hình, phương pháp sản xuất và xây dựng mô hình điểm để nhân rộng. Ngành nông nghiệp cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, sáng kiến khoa học như sử dụng bón phân sinh học, phòng sâu bệnh… Theo quy hoạch, năm 2025, Bình Thuận phấn đấu diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt hơn 70%.

Nâng cao chất lượng chế biến

Theo ông Mai Kiều, những ngày qua, giá thanh long sụt giảm khiến nhiều người trồng có nguy cơ thua lỗ là do việc tiêu thụ thanh long của Bình Thuận vẫn chủ yếu phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Các sản phẩm thanh long chủ yếu là quả tươi (ước khoảng 15%-20% sản lượng cung cấp thị trường nội địa; 80%-85% xuất khẩu). Sản phẩm chế biến thiếu hàm lượng khoa học, theo quy chuẩn khó tiếp cận thị trường khó tính.

Khảo sát thực tiễn cho thấy, sản lượng thanh long tăng nhanh từng năm, song các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực chất lượng thấp. Thanh long là cây làm giàu của nông dân nhưng việc đầu tư đồng bộ, xứng tầm còn hạn chế, nhất là khâu chế biến. Bên cạnh đó, việc đầu tư vốn, công nghệ giữa các doanh nghiệp không đồng đều dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho nông dân.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị và hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng chủ động ký kết, hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn với các tỉnh, thành phố trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, qua đó tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực... Hiện, tỉnh đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho gần 100 tổ chức sản xuất, kinh doanh thanh long đủ điều kiện với diện tích hơn 3.000ha. Nhãn hiệu “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại nhiều nước EU, châu Á, châu Mỹ… nhưng do kỹ thuật chế biến còn hạn chế dẫn đến số lượng xuất khẩu vào các thị trường trên không nhiều. Trước diễn biến của dịch Covid-19, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận đã hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp để thu hoạch thanh long có sản lượng phù hợp, tránh ùn ứ, ép giá… Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời.

Để cây thanh long phát triển bền vững, tỉnh Bình Thuận cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân, có chính sách thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước, có chính sách ưu đãi, kích thích thu mua, tiêu thụ thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, tỉnh cần liên kết giữa các khâu sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, vùng nguyên liệu an toàn, nâng cao giá trị nông sản theo mô hình sản xuất hàng hóa, đặc biệt là quan tâm đầu tư thích đáng vào khâu chế biến, tạo nhiều hàng hóa thương hiệu từ thanh long. Đây chính là vấn đề mấu chốt để Bình Thuận mở rộng thị trường tiêu thụ hiệu quả, khắc phục phụ thuộc tiêu thụ nông sản tươi ở một thị trường nhất định theo đường tiểu ngạch. Ngành chức năng của tỉnh cũng phải nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/binh-thuan-nhieu-giai-phap-de-phat-trien-ben-vung-cay-thanh-long-611092