Bình Thuận nỗ lực khơi thông dòng vốn đầu tư

Từ lâu, du lịch Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Những năm gần đây, tốc độ phát triển năng lượng gió và mặt trời trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư lớn. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ông Hai cho biết:

Ông Nguyễn Ngọc Hai. Ảnh: Hải Luận

Ông Nguyễn Ngọc Hai. Ảnh: Hải Luận

- Tỉnh Bình Thuận đang tập trung phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi. Đối với điện gió ngoài khơi, đã có một số nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu lập dự án đầu tư với quy mô công suất và tổng vốn đầu tư rất lớn. Chẳng hạn dự án Thăng Long Wind, điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, tổng chi phí dự án trên 12 tỉ USD, đạt công suất 3.400MW, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chính phủ “gỡ” những vướng mắc

- Dọc ven biển tỉnh Bình Thuận đã có nhiều đơn vị phát triển du lịch “giành chỗ” rồi, bây giờ lại thêm năng lượng vào nữa. Liệu có ảnh hưởng đến du lịch không, thưa ông?

- Phát triển năng lượng ven biển của tỉnh Bình Thuận chủ yếu là năng lượng tái tạo như phong điện (điện gió), điện mặt trời và điện khí sạch LNG sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến du lịch. Ngược lại, nếu tổ chức tốt thì các dự án năng lượng và du lịch sẽ hỗ trợ cho nhau, hình thành nhiều điểm tham quan du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương. Lấy ví dụ, điện gió ở huyện Tuy Phong, dọc theo quốc lộ 1A không chỉ gây tò mò đối với người dân địa phương, mà hành khách đi ô tô qua lại trên tuyến Nam - Bắc cũng đều thích thú ngắm nhìn và dừng xuống chụp ảnh các tua bin, quảng bá hình ảnh cánh đồng điện gió với bạn bè gần xa.

Dự án Nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khí sạch LNG, tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD, tổng công suất khoảng 3.600MW đang xúc tiến các thủ tục đầu tư. Cả hai dự án điện ngoài biển và trong bờ cộng lại, sản lượng điện đã lớn tương đương hệ thống thủy điện trên sông Đà. Bên cạnh đó, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi – giải trí cao cấp, các dự án thương mại, khu đô thị ven biển. Đồng thời, ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

- Nhưng, cái khó là ở Bình Thuận vẫn thiếu hạ tầng giao thông để phát triển toàn diện?

- Đúng là như vậy. Chính vì thế, ngày 21-9-2019, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch và phát triển chung của tỉnh. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang gấp rút triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó, qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Cảng quốc tế Vĩnh Tân đã đi vào hoạt động, nằm sát với quốc lộ 1A và đường cao tốc sau này. Thủ tướng Chính phủ cho phép sân bay Phan Thiết nâng đường băng từ 2.400m lên trên 3.000m để đón các máy bay cỡ lớn cách hạ cánh an toàn, với quy mô thiết kế lên 2 triệu lượt khách/năm. Hiện, dự án này đã hoàn thành công đoạn giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư BOT hạng mục hàng không dân dụng.

- TP Phan Thiết cách TP Hồ Chí Minh hơn một giờ chạy xe ô tô khi đường cao tốc hoàn thành. Vậy, có cần thiết phải xây dựng sân bay cho tốn kém không, thưa ông?

- Lúc đường cao tốc hoàn thành, người dân TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết du lịch còn dễ hơn đi Vũng Tàu. Tuy nhiên, sân bay Phan Thiết không nhắm đến lượng khách du lịch ở gần như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, mà nhắm đến lượng khách xa hơn, như thành phố Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và tập trung vào khách quốc tế, mở đường bay thẳng đến các nước xung quanh châu Á.

Ba “trụ cột” cho phát triển

- Bình Thuận có thế mạnh là dải đất ven biển. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên phát triển thế mạnh của vùng như thế nào?

- Để phát huy thế mạnh của dải đất ven biển, tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, tỉnh đang tháo gỡ những “điểm nghẽn” nhằm đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, sớm rút ngắn chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước. Bình Thuận tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào 3 “trụ cột” sau: Thứ nhất, du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư. Thứ hai, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistic. Thứ ba, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận ngày 21-9-2019, Đoàn công tác của Chính phủ đã đồng ý tháo gỡ chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với các quy hoạch ngành khác, nhất là lĩnh vực du lịch, năng lượng. Hầu hết các dự án lớn ven biển làm sau đều không thể triển khai được, vì vướng mắc quy hoạch này. Tỉnh Bình Thuận đang tích cực kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan theo hướng đưa ra ngoài quy hoạch khu vực chưa có điều kiện khai thác, nhằm “cởi trói” cho các dự án đầu tư lĩnh vực khác. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tháo gỡ theo phương án của tỉnh đưa ra.

Tỉnh Bình Thuận rất cần nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để chế biến thanh long, sản phẩm có sản lượng lớn nhất cả nước. Ảnh: Hải Luận

- Các nhà đầu tư vào ngành điện có than phiền tỉnh Bình Thuận chưa có đường dây tải điện 500kv, đoạn ngắn kết nối với đường truyền tải quốc gia. Vấn đề này được xử lý ra sao, thưa ông?

- Từ năm 2017, tỉnh Bình Thuận đã được Trung ương xác định trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Chiến lược này cũng được đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận ngày 19-4-2017. Tới đây, sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư, nên quá tải hệ thống truyền tải là vấn đề đáng ngại. Muốn thu hút nhà đầu tư vào ngành điện, cần có chính sách khuyến khích, đồng thời, giúp nhà đầu tư làm ra điện đến đâu phải tiêu thụ hết đến đó. Theo quy định pháp luật, Nhà nước độc quyền về truyền tải điện nên việc đầu tư đường dây truyền tải của các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn vướng mắc, chưa thể thực hiện. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV năm 2019, vấn đề đầu tư đường dây truyền tải điện, nhất là tại khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận được các đại biểu nêu ý kiến đề nghị tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có ý kiến, sẽ xem xét đưa ra giải pháp sớm nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất của các nhà máy điện mặt trời, điện gió. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đang chủ động phối hợp với Bộ Công thương và ngành điện để có bước đi cụ thể, giải quyết nhanh chóng điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất không để dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này bị chững lại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Luận (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/binh-thuan-no-luc-khoi-thong-dong-von-dau-tu/