Bình Thuận quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao

Tỉnh Bình Thuận hiện có 24 cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư các nghề trọng điểm như du lịch, chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP…

Giờ học môn ngữ văn tại Trường THCS Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì.Ảnh: TRẦN HẢI

Tỉnh Bình Thuận hiện có 24 cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư các nghề trọng điểm như du lịch, chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP…

Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao được chú trọng. Toàn tỉnh có 717 cán bộ quản lý, giảng viên dạy nghề, trong đó có 575 giảng viên. Phần lớn các giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn theo quy định. Sau 5 năm triển khai đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, tỉnh đã đào tạo nghề cho 58.014 học viên, trong đó có 37.615 lao động nông thôn. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 64%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề được cấp chứng chỉ chiếm 25%. Công tác tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ đạt kết quả cao, với các mô hình hay như: Câu lạc bộ quân nhân xuất ngũ giúp nhau lập nghiệp, Câu lạc bộ quân nhân xuất ngũ khởi nghiệp, mô hình trang trại trẻ…

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai đào tạo nhân lực có tay nghề cao, Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với công tác này, đồng thời rà soát các chính sách liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Các đơn vị làm tốt công tác định hướng đào tạo nghề dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động, góp phần tăng tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

* Thành phố Hà Nội vừa rà soát việc thực hiện các chính sách đối với 14 xã khu vực miền núi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số ở năm huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Thành phố đã ưu tiên đầu tư hạ tầng như trường học, y tế, nước sinh hoạt, công trình văn hóa, thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, chợ dân sinh… 100% số người nghèo, cận nghèo và người dân ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… Thành phố đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trường Dân tộc nội trú Ba Vì đang cấp học bổng cho tất cả học sinh dân tộc nội trú (theo mức 80% của 1,39 triệu đồng/tháng) từ ngân sách thành phố. Từ năm 2016 đến 2018, thành phố đã hỗ trợ ăn trưa cho 6.341 trẻ mẫu giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với gần 5,8 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Đến nay, thành phố không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có bảy trong 14 xã vùng dân tộc thiểu số của thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, thành phố có kế hoạch triển khai 224 dự án với tổng kinh phí dự kiến là 2.324 tỷ đồng, trong đó, đến nay, ngân sách thành phố đã cấp 850 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40325702-binh-thuan-quan-tam-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao.html