Bình Thuận rút ra bài học gì sau Năm Du lịch quốc gia 2023?

Từ kinh nghiệm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhân dịp Năm Du lịch quốc gia 2023, tỉnh Bình Thuận đã rút ra nhiều bài học hữu ích cho phát triển du lịch trong thời gian tới.

Nâng cao vị thế du lịch Bình Thuận

Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” chính thức được khai mạc vào ngày 25/3/2023 và bế mạc vào ngày 27/12/2023. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, việc đăng cai và tổ chức tốt các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” đã mang đến những kết quả khá ấn tượng cho du lịch Bình Thuận.

Qua một năm hoạt động, với nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục khắp các địa phương trong tỉnh Bình Thuận và trải dài khắp 41 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được đông đảo nhân dân, du khách tích cực tham gia hưởng ứng và tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Trong đó, có nhiều hoạt động quy mô, đặc sắc, tạo dấu ấn lớn với người dân và du khách đã diễn ra thành công tốt đẹp như: Lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” (gắn Lễ hội đếm ngược); diễu hành mô tô; hội thảo quản trị điểm đến du lịch bền vững; hành trình du lịch xanh; lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương; giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2023, festival nghệ thuật biểu diễn thế giới...

Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” chính thức được khai mạc vào tháng 3/2023. Ảnh: Đoàn Sĩ

Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Thuận cho biết năm 2023, lượng khách đến tỉnh ước đạt 8,35 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch tại Bình Thuận ước đạt 23.500 tỷ đồng, nằm trong danh sách các tỉnh có tổng doanh thu du lịch cao nhất cả nước năm 2023. Đến nay Bình Thuận đã định vị được thương hiệu du lịch Mũi Né trên bản đồ du lịch thế giới, được nhiều tạp chí có uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng.

Những năm qua, nhất là trong năm 2023 khi Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia, ngành du lịch địa phương đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú và tính chuyên nghiệp. Từ đó đã thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Bình Thuận ngày càng đông hơn, quay lại nhiều lần hơn và chi tiêu cho du lịch ngày càng cao hơn; góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch - một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tham quan đồi cát là trải nghiệm yêu thích của du khách khi tới Bình Thuận. Ảnh: Hải Nam

Bài học kinh nghiệm cho du lịch Bình Thuận

Từ kinh nghiệm thu hút du khách nhân dịp Năm Du lịch quốc gia 2023, tỉnh Bình Thuận đã rút ra nhiều bài học hữu ích cho phát triển du lịch trong thời gian tới.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ. Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch cần chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất những trọng tâm phát triển cho từng giai đoạn, chú trọng đề xuất những loại hình du lịch mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thứ hai, tổ chức không gian du lịch vùng trong phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch. Theo đó, nội dung này xác định rõ các địa bàn, không gian trọng điểm để phát triển kinh tế du lịch.

Bình Thuận tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh. Ảnh: Đoàn Sĩ

Thứ ba, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất nhằm phát triển kinh tế du lịch, nhất là các tuyến giao thông thuận tiện... để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, cần có tầm nhìn dài hạn, lựa chọn được những ý tưởng, phương án quy hoạch phù hợp, lựa chọn được các nhà tư vấn thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch.

Thứ tư, giải quyết tốt giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới...

Thứ năm, xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đặc biệt, phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.

Thứ sáu, có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tiếp cận trình độ thế giới để đảm đương công tác quản lý phát triển kinh tế du lịch.

Đảo Phú Quý, Bình Thuận đang là điểm đến được giới trẻ yêu thích. Ảnh: Đoàn Sĩ

Thứ bảy, có kế hoạch quảng bá địa danh du lịch phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Để thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kế thừa chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" của Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, chinh phục thiên nhiên, mạo hiểm; du lịch cộng đồng; du lịch chăm sóc sức khỏe; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và du lịch MICE.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/binh-thuan-rut-ra-bai-hoc-gi-sau-nam-du-lich-quoc-gia-2023-post1070977.vov