Bình Thuận yêu cầu xử nghiệm vụ phá 266 m3 gỗ ở rừng Sông Lũy

Đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng nhưng Trạm bảo vệ rừng lại không có báo cáo để ngăn chặn còn các vụ xử lý phá rừng lại làm theo 'quy trình ngược'.

Ngày 4-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết UBND tỉnh đã có công văn gởi Sở NN&PTNT sau khi nhận được báo cáo về xử lý tình hình phá rừng tại tiểu khu 72, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Lũy.

Theo đó giao Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với công an, VKSND tỉnh và UBND huyện Bắc Bình triển khai xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật. Tiếp tục tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, có phương án củng cố lực lượng nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chỉ đạo của tỉnh.

Theo báo cáo, ngày 27-6, giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình khẩn trương xác lập toàn bộ hồ sơ kiểm tra hiện trường để củng cố hồ sơ vi phạm, khởi tố vụ án và chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Bình điều tra, xử lý theo quy định của Pháp luật vụ phá rừng tại Tiểu khu 72.

Đồng thời yêu cầu trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm tập thế lãnh đạo ban, các bộ phận và cá nhân liên quan, đặc biệt là Trạm Bảo vệ rừng Đại Ninh.

Sở cũng yêu cầu bảo vệ hiện trường và tang vật trong vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 72 trong thời gian chờ cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, giám định và xác định giá trị thiệt hại để khởi tố vụ án.

Theo kết quả kiểm tra tại khu vực “Dốc xe gãy” thuộc khoảnh 6 và khoảnh 8, tiểu khu 72, đối tượng rừng sản xuất do BQLRPH Sông Lũy quản lý có 114 cây rừng bị triệt hạ. Tổng sản lượng thiệt hại là 266,052 m3 gỗ từ nhóm II-VI, thời gian phá diễn ra trong khoảng một tháng, mức độ thiệt hại tài nguyên rừng là rất nghiêm trọng.

Sở NN&PTNT nhận định đây là một vụ triệt hạ rừng đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong nhiều ngày nhưng lực lượng bảo vệ rừng của Trạm Bảo vệ rừng Đại Ninh không phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời. Bước đầu, đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trưởng Trạm Đặng Hồng Quân và Phó Trạm Dụng Minh Thang; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Đoàn Ngọc Thuận, nhân viên trạm.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã yêu cầu hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình tổ chức họp toàn thể công chức của đơn vị kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân gồm: Tổ kiểm lâm địa bàn Phan Sơn - Phan Lâm; Tổ kiểm lâm địa bàn Đại Ninh và Tổ kiểm lâm cơ động. Đối với ban lãnh đạo Hạt Kiểm lâm sẽ do Chi cục Kiểm lâm chủ trì họp kiểm điểm.

Đối với chính quyền địa phương, chủ tịch UBND huyện Bắc Bình đã giao Phòng Nội vụ huyện tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của chính quyền xã Phan Sơn và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền (chủ tịch UBND xã) đã để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép kéo dài mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua tình trạng chặt, phá rừng và chống người thi hành công vụ tại Ban QLRPH Sông Lũy vẫn còn diễn ra phức tạp; công tác phối hợp giữa địa phương với BQLRPH Sông Lũy và Hạt Kiểm lâm chưa thật sự thống nhất, chặt chẽ... Do đó đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực thi pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.

Trước mắt, củng cố và bố trí ngay hai chốt bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh giữa tiểu khu 69 và tiểu khu 71, 72; trong đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị phải bảo đảm có tối thiếu bốn nhân viên để bám rừng, đồng thời xây dựng và triển khai ngay kế hoạch bố trí các chốt bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm.

Đề nghị UBND huyện Bắc Bình làm việc với UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để phối hợp mở chuyên án điều tra, xử lý các xe hoán cải; các băng nhóm và đối tượng cầm đầu từ Đức Trọng xuống địa bàn xã Phan Lâm, Phan Sơn để phá rừng; cướp tang vật, phương tiện vi phạm; đe dọa hành hung nhân viên bảo vệ rừng tại chốt Suối Tôm đã xảy ra trong thời gian qua để xử lý.

Theo báo cáo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, từ 2015-2017, Hạt Kiểm lâm Bắc Bình phát hiện rất nhiều vụ phá rừng trái phép và đã ra quyết định khởi tố 25 vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Những vụ này đều xảy ra trên lâm phận BQLRPH Sông Lũy quản lý, hậu quả rất nghiêm trọng đã có hàng ngàn m3 gỗ bị chặt hạ trái phép, có vụ gây thiệt hại đến 250 m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8.

Nguyên nhân là do chủ rừng thiếu trách nhiệm, kiểm lâm địa bàn không phối hợp với chủ rừng, địa phương; nhiều nơi để rừng bị phá liên tục, kéo dài nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo. Hạt Kiểm lâm thiếu phối hợp với chủ rừng, địa phương.

Cụ thể khi chủ rừng phát hiện rừng bị triệt hạ đến khi Hạt Kiểm lâm khởi tố chuyển cho công an thường trên sáu tháng, có vụ kéo dài cả năm. Do đó khó khăn cho công tác điều tra, hầu hết các vụ án không tìm ra người phạm tội nên phải tạm đình chỉ điều tra khi hết thời hạn điều tra vụ án.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận khẳng định: "Xảy ra sự việc trên là do các cơ quan tố tụng ở Bắc Bình làm theo quy trình ngược".

Ông Hiếu cho rằng sở dĩ gọi là “quy trình ngược” là do VKS, công an và Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình có biên bản thống nhất: Khi có vụ việc xảy ra, chủ rừng lập hồ sơ, Hạt Kiểm lâm báo cáo cho công an và VKS để xem xét, trưng cầu giám định thiệt hại rừng. Khi có kết luận giám định, Hạt Kiểm lâm sẽ làm căn cứ để khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, do BQLRPH Sông Lũy phát hiện vi phạm không kịp thời, hầu hết vụ lâm tặc lấy hết gỗ hoặc đưa gỗ ra khỏi rừng. Việc lập hồ sơ ban đầu của chủ rừng sai sót nên khi chuyển cho Hạt Kiểm lâm phải trả lại, bổ sung nhiều lần.

“Lẽ ra theo thẩm quyền, Hạt Kiểm lâm phải ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển cho công an và cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định để điều tra, đằng này lại giao cho chủ rừng” - ông Hiếu nói.

Hình ảnh các vụ triệt hạ rừng nghiêm trọng tại rừng phòng hộ Sông Lũy:

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/binh-thuan-yeu-cau-xu-nghiem-vu-pha-266-m3-go-o-rung-song-luy-790884.html