Bình tĩnh trước 'sóng tiền tệ' từ cuộc chiến thương mại

Nếu như khoảng 2 năm trước, chính sách tiền tệ khá 'êm đềm' dưới sự hỗ trợ đắc lực của nền kinh tế trong nước và sự ổn định của thị trường quốc tế, nhưng bước vào năm 2019, 'sóng gió' đã nổi lên trước sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Biến động khó lường

Những ngày gần đây, diễn biến của tỷ giá giữa USD và VND khá “sốc”, có những ngày “dựng đứng” ở mức cao, nhưng cũng có những ngày giảm nhẹ. Xét từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn đang neo ở mức cao. Diễn biến này của tỷ giá trong nước hoàn toàn phản ánh theo diễn biến của tình hình kinh tế, tài chính thế giới, nhất là những tuyên bố về cuộc chiến thương mại của cả hai nước Mỹ và Trung Quốc.

Theo đó, vào đầu tháng 5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về dấu hiệu leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chỉ số USD trên thị trường thế giới đã duy trì ở mức cao, kéo theo sự tăng vọt của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lẫn thị trường tự do. Chỉ trong 4 ngày từ 6/5 đến 9/5, tỷ giá tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh đi lên, xu hướng tăng với biên độ mạnh, tổng cộng tăng 100-120 đồng ở cả hai chiều mua và bán, khiến giá bán USD lên quanh mức 23.450 VND/USD. Tuy nhiên, sau thời điểm này, tỷ giá lúc thì “hạ nhiệt”, lúc lại “tăng nhiệt” rất khó lường. Tiêu biểu như trong hai ngày 14 và 15/5, nếu như ngày 14, các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh, có nơi lên tới 50-70 đồng, thì sang ngày 15, tỷ giá lại có mức giảm khoảng 30-50 đồng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, từ nửa cuối tháng 4 đến nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết lại liên tục tăng, liên tục thiết lập mức “đỉnh” cao nhất từ trước đến nay. Ngày 15/5, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.064 VND/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 236 đồng, tương ứng tăng hơn 1%.

Cần bình tĩnh

Áp lực về tỷ giá đối với NHNN ngày càng tăng cao, nhất là khi không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại tới diễn biến mất giá của đồng Nhân dân tệ (CNY). Điều này càng quan ngại hơn khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 16,2 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chiến 28,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, cao nhất trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Báo cáo về thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là diễn biến đồng CNY. Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên các chuyên gia đều nhận định, những biến động này sẽ có tác động nhất định tới thị trường tiền tệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến lại khá lạc quan. Bởi hiện nay, việc cả Mỹ và Trung Quốc đặt vấn đề đàm phán trở lại sẽ khiến căng thẳng thương mại được giảm bớt. Điều này minh chứng bằng việc chỉ số USD đã tăng điểm trở lại, thị trường chứng khoán của Mỹ cũng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Hơn nữa, phía ngân hàng trung ương Trong Quốc đã có sự chuẩn bị trước, nên sẽ có biện pháp can thiệp để giữ giá đồng CNY. Nên các chuyên gia cho rằng, tác động tới thị trường tiền tệ Việt Nam ở góc độ tâm lý nhiều hơn là diễn biến giá cả. Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thương mại Việt – Trung đúng là rất lớn, nhưng đồng tiền thanh toán lại chủ yếu là USD, chỉ một số giao dịch sử dụng CNY. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nên việc CNY mất giá lại có lợi khi được chuyển đổi sang USD.

“CNY chỉ là một trong 8 loại tiền tệ trong rổ tiền tệ của tỷ giá trung tâm được NHNN điều hành. Do đó, với tiềm lực cung cầu ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối lớn thì NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Vấn đề là NHNN cần sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tốt hơn. Đặc biệt, NHNN vừa phải điều hành chính sách tiền tệ như bình thường, vừa phải đẩy mạnh truyền thông, cần sớm có thông điệp truyền tải kịp thời tới thị trường để trấn an tâm lý, tránh những lo ngại không đáng có”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chúng ta cần hết sức bình tĩnh và thận trọng trước diễn biến của thị trường tài chính. Điều đáng mừng là thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam đã khá chuyên nghiệp, liên thông với thị trường quốc tế nên vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó, nhà đầu tư không nên quá lo ngại, nhưng các cơ quan quản lý phải nghiên cứu tình hình thấu đáo, thận trọng với thái độ bình tĩnh để đưa ra biện pháp điều hành hợp lý.

Cùng với sự bình tĩnh nêu trên, các chuyên gia cho rằng, giới đầu tư và doanh nghiệp nên thận trọng, tìm kiếm những giải pháp, công cụ đảm bảo rủi ro tài chính, rủi ro tiền tệ, rủi ro tỷ giá phù hợp. Hiện các ngân hàng thương mại đều cung cấp đầy đủ các dịch vụ này, nên doanh nghiệp và ngân hàng cần sự phối hợp với nhau để bảo đảm an toàn, bền vững cho mọi hoạt động.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/binh-tinh-truoc-song-tien-te-tu-cuoc-chien-thuong-mai-104869-104869.html