Bình Xuyên nỗ lực phòng, chống ngập lụt

Là nơi “rốn lũ”, mỗi lần xảy ra mưa lớn kéo dài, Bình Xuyên như một “túi nước khổng lồ” luôn trực chờ gây ra cảnh ngập lụt trên diện rộng. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, ngay tại thời điểm mưa lớn kéo dài, huyện Bình Xuyên đã chủ động tập trung nguồn lực để phòng, chống ngập lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Đoàn thanh niên và người dân xã Phú Xuân vớt bèo tại các luồng tiêu nội đồng để khơi thông dòng chảy.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, đợt mưa lớn kéo dài từ 22-25/5 vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất nông nghiệp cũng như tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Theo ước tính, trên địa bàn có hơn 1.540 ha bị ngập úng trên 70% ; 283 ha ngập từ 30 đến dưới 70%. Trong đó, có hơn 1.300 ha lúa bị ngập trên 70%; rau màu gần 236 ha bị ngập trên 70%, thủy sản bị thiệt hại trên 329 ha; gần 20 doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng đến sản xuất do nước tràn vào công ty; đã có 1 công nhân bị đuối nước do đi qua dòng nước chảy xiết.

Các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai như đê Bờ Đáy, bờ bao Đồng Mong, thị trấn Hương Canh đều bị tràn, sạt lở; hiện trạng tại tuyến đê Sáu Vó có nhiều đoạn bị lún, sụt, nứt khe bê tông; bờ bao xứ đồng Cừ, giáp ranh giữa thôn An Lão của xã Sơn Lôi với Tổ dân phố Kiền Sơn của thị trấn Đạo Đức đã bị sạt lở hàng trăm mét…

Ông Nguyễn Ngọc Bộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết: “Ngay từ đầu đợt mưa lớn, huyện Bình Xuyên đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác chống ngập úng, chủ động đối phó với mưa lớn, đảm bảo an toàn cao nhất đối với tính mạng và tài sản của người dân.

Phối hợp với Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Liễn Sơn chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Bình Xuyên vận hành hết công suất các cống tiêu, đặc biệt là Trạm bơm Đầm Cả để tiêu úng; phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn và các trung đội dân quân ở các địa phương tổ chức ứng cứu DN tại các KCN bị ngập lụt.

Riêng tại bên tả đê Bờ Đáy tràn tự do toàn tuyến khoảng 2,5km, UBND huyện đã huy động lực lượng cùng 60 hộ dân di dời để bảo vệ tài sản; bên hữu nước tràn vào khu dân cư, UBND thị trấn Hương Canh đã đắp con trạch chống tràn; bờ bao Đồng Mong đã được xử lý tạm thời 45m bị sạt lở; tại tuyến đê Sáu Vó cũng đã được UBND xã Tân Phong huy động lực lượng đắp con trạch chống tràn; bờ bao xứ Đồng Cừ bị sạt lở trên 300m cũng đã được gia cố, đắp bờ bao...

Công tác 4 tại chỗ được huyện Bình Xuyên đặc biệt quan tâm. Riêng vật tư, phương tiện phòng, chống ngập lụt đã được huyện giao ngay cho các xã, thị trấn từ đầu năm; huyện có kho vật tư, phương tiện riêng. UBND huyện huy động mỗi xã, thị trấn 1 trung đội dân quân gồm 28 người, 1 đội xung kích từ 100 – 150 người; một số DN 250 người tham gia ứng trực 24/24h.

Việc huy động lực lượng, phương tiện khi cấp bách được giao cụ thể, chi tiết tới từng đơn vị như lực lượng thường trực Ban Chỉ huy Quân sự huyện 30 người; 1 trung đội dân quân cơ động 28 người; Công an huyện 50 người và 2 xe ôtô; Trường Trung cấp kỹ thuật Tăng - Thiết giáp 50 người và 2 xe ôtô; Trường Trung cấp quân khí 50 người và 2 xe ôtô; Kho 887 gồm 50 người…luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu.

Dự báo tình hình mưa lũ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, UBND huyện đã nghiêm túc quán triệt các xã, thị trấn không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống ngập úng. Các địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo diễn biến tình hình thời tiết để người dân chủ động phòng tránh, ứng phó; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, kịp thời.

Ngoài ra, tổ chức trực ban nghiêm túc, khi có tình huống xảy ra phải triển khai ngay phương án phòng chống ngập úng, sạt lở đất có thể xảy ra đảm bảo kịp thời, sẵn sàng 4 tại chỗ.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thiệt hại tại các khung giờ được quy định trong ngày về cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện.

Thường xuyên tuyên truyền cho người dân không ra ngoài khi có mưa lớn, không kéo vó đánh bắt cá tại vị trí nước chảy xiết để tránh thiệt hại về người.

Các xã, thị trấn có ngầm giao thông, đập tràn phải tổ chức lực lượng canh gác 24/24; canh gác khi các hồ xả tràn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông.

Tiếp tục vận hành các trạm bơm, công trình tiêu nước nội đồng và trong khu dân cư do địa phương quản lý, đảm bảo khắc phục tình trạng ngập úng kịp thời.

Đối với các xã, thị trấn có đê kè, bờ bao, bờ vùng, bờ thửa phải cắt cử lực lượng canh gác 24/24, nếu có sự cố cần có biện pháp khắc phục kịp thời, nhất là tại tuyến đê Sáu Vó, đê Bá Hanh, đê Ươm, đê Tả Hữu Bờ Đáy.

Đối với các xí nghiệp thủy lợi phục vụ tưới tiêu trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có phương án vận hành các trạm bơm tiêu, công trình tiêu để khắc phục ngay các diện tích ngập úng cục bộ; chủ động giải tỏa đăng, đó, vớt bèo và rác để khơi thông các luồng tiêu. UBND huyện đã có văn bản đề nghị các đơn vị thủy lợi khi tiến hành xả lũ cần thông báo kịp thời tới chính quyền và người dân địa phương.

Mưa lớn trên diện rộng dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, để có thể “giảm tải” cho địa phương trong công tác phòng, chống ngập úng, trước mắt, huyện Bình Xuyên đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh bố trí đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Về lâu dài, địa phương rất cần UBND tỉnh chấp thuận đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đê Sáu Vó để đảm bảo công tác PCTT, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh để đảm bảo tiêu úng trên địa bàn huyện Bình Xuyên nói riêng và toàn tỉnh nói chung…

Bài, ảnh Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78067/binh-xuyen-no-luc-phong-chong-ngap-lut.html