Bình yên bản Ngàm

Thú thật, vốn chẳng còn lạ lẫm gì với cái khung cảnh núi liền núi và nhịp sống chậm chậm của đồng bào các dân tộc miền Tây, vậy nên tôi đã không ôm ấp quá nhiều hy vọng, rằng Bản Ngàm (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) - một điểm du lịch sinh thái cộng đồng vừa được UBND tỉnh công nhận - sẽ có thể đem đến cho tôi điều gì đó mới mẻ. Thật may là tôi đã sai.

Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo bè và bắt cá tại suối bản Ngàm.

Nép mình trong thung lũng nhỏ hẹp, bản người Thái này ví như một nét chấm phá được bàn tay con người tạc vào cái nền tự nhiên hoang sơ và sống động. Giấu bên trong vẻ ngoài bình yên và sạch sẽ, là một bản Ngàm có “đời sống khác”, mà chỉ có thể được nhìn thấy, được cảm nhận bằng con mắt không câu nệ hay đòi hỏi cao về vật chất. Chiều tà, mặt trời nhuộm đỏ cả dòng suối chạy dọc cạnh bản và hắt cái màu thẫm được phối giữa xanh và đen lên vạn vật, càng khiến khung cảnh rừng chiều thêm mê hoặc, rung động và kỳ bí. Trên chiếc bè được ghép đơn giản bằng những cây luồng dài, thả trôi trên dòng suối có đoạn nông nhìn thấy đáy và đoạn sâu nước chảy xiết như muốn kéo người trên bè xuống; cảm xúc mà mỗi người có thể bật lên ngay tức thì có lẽ là sự thích thú. Đó quả thực là một trải nghiệm hiếm có, nhất là với những người đã quá quen với những tour du lịch sinh thái chủ yếu là khám phá hang động và cảnh quan núi rừng.

Xuôi dần về giữa dòng suối, người điều khiển chiếc bè dần thả chậm tốc độ và chàng trai trẻ có vóc người cân đối khỏe mạnh ấy liền phô diễn cho chúng tôi kinh nghiệm bắt cá truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Không có phương tiện đánh bắt hiện đại, không khai thác kiểu tận diệt, anh ta chỉ dùng một tấm lưới có bán kính chừng 2m và cả tấm lưới chỉ đủ bao lại một khoảng mặt nước hẹp. Số lượng cá mỗi lần bắt được cũng không nhiều. Nếu may mắn gặp đúng luồng cá, số cá sa lưới nhiều nhất cũng chỉ chừng dăm sáu con. Họ chọn lấy những con lớn và thả con nhỏ trở lại dòng suối. Kiểu quăng chài bắt cá có từ xa xưa này vẫn được duy trì cho đến ngày nay với mục đích bảo vệ môi trường tự nhiên, cũng chính là bảo vệ môi trường sống cho đàn cá. Người dân bản Ngàm còn đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt, nhằm tránh việc đánh bắt tràn lan. Vậy nên, chỉ khi bạn là khách quý của bản, bạn mới có may mắn được thưởng thức món đặc sản của núi rừng này. Những con cá gáy tươi rói, được tẩm ướp các loại gia vị riêng có, rồi đem nướng trên bếp củi hoặc gói vào lá đu đủ đem đồ. Khi cá chín bóc ra từng lớp thịt trắng, thơm, béo, đủ để đánh thức vị giác của bất kỳ thực khách nào.

Bè dừng ở điểm cuối, nơi những guồng nước chẳng khác nào những bánh xe to lớn, ngày đêm cần mẫn xoay vòng, đưa nước từ suối lên các đoạn máng dài tỏa đi nhiều phía. Có một điều thú vị là, những guồng nước vốn là những “máy bơm”, giúp đưa nước vào đồng ruộng, thì nay lại đang trở thành một điểm đến thu hút du khách khi về bản Ngàm. Để dựng được một guồng nước tưởng chừng đơn giản, người dân bản Ngàm đã phải dùng không ít thời gian cùng các loại vật liệu sẵn có của bản như tre, luồng, gỗ mới có thể tạo nên những chiếc “máy bơm” đặc biệt và cầu kỳ, nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của khách du lịch. Hình ảnh những cô gái Thái trong trang phục truyền thống vui vẻ đùa nghịch dưới dòng suối, cạnh những guồng nước đang lao động không ngừng nghỉ, vốn đã trở thành một “tín hiệu nhận biết” vô cùng đặc trưng cho đời sống văn hóa – tinh thần lẫn vật chất của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh. Bởi vậy, nếu có dịp về bản Ngàm, du khách, nhất là các bạn nữ, chắc chắn sẽ thích khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của đồng bào, để được một lần trải nghiệm cái cảm giác trở thành cô gái Thái vô tư thả trôi tâm trạng theo dòng nước, hay để những guồng nước ấy mang theo mọi lo âu, muộn phiền gửi vào đất, vào nước, vào rừng sâu núi thẳm.

Bản Ngàm về đêm, lửa trại hừng hực đốt sáng cả một mảng không gian âm u. Tiếng hát hòa nhịp theo tiếng chiêng vẳng vào từng vạt rừng, xua lũ chim trốn vào khoảng không thăm thẳm. Người ta hát ca ngợi cuộc sống, mùa màng tốt tươi, tình yêu đôi lứa và về hạnh phúc giản đơn tưởng chừng chẳng có mối liên hệ nào với cuộc sống quay cuồng bên ngoài 4 bức tường núi. Một bản Ngàm bình yên, nhưng có sức quyến rũ kỳ lạ. Để rồi, khi đã rời bản để trở về với phố thị ồn ào, tôi mới bất chợt tìm được câu trả lời cho điều tôi vẫn băn khoăn suốt cả chặng đường. Rằng, bản Ngàm với tư cách một điểm du lịch và sản phẩm được người ta “bán” cho du khách là gì nếu không phải là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và một không gian sống khoáng đãng, thanh sạch; là không gian văn hóa mà ở đó, từ nếp sinh hoạt hằng ngày, ngôn ngữ, ẩm thực đến cách con người đối xử với bạn bằng tình cảm rất đỗi chân thành, giản dị, gần gũi và ấm áp. Để rồi, cái mà du khách “mua” là gì nếu không phải là những cảm xúc tích cực, những trải nghiệm thú vị và cả ấn tượng đẹp, giúp ta gom góp thành một trang trong cuốn sách cuộc đời mình?!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/binh-yen-ban-ngam/98858.htm