Bình yên một dải biên cương

Trở lại huyện Bù Đốp những ngày tháng 5, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ngoạn mục của một huyện vùng biên giới. Bù Đốp chuyển mình, khác xa những gì được biết về một vùng đất từng bị đạn bom cày xới trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; nơi khắc ghi chứng tích tội ác man rợ của bọn diệt chủng.

BÙ ĐỐP THAY ÁO MỚI

Dẫu xuất phát điểm kinh tế thấp nhưng Bù Đốp có những lợi thế ít địa phương nào trong tỉnh có được. Huyện có gần 5.000 ha đất nông nghiệp với thổ nhưỡng rất phù hợp trồng cây công nghiệp, cây ăn trái và phát triển chăn nuôi. Thế nên ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay, các thế hệ lãnh đạo của huyện đều thống nhất cao hướng phát triển của Bù Đốp là tập trung phát triển nông nghiệp bền vững. Những loại trái cây độc đáo, mùi vị lạ như chuối ruột tím, xoài tím, mít ruột đỏ, ổi Đài Loan, vú sữa hoàng kim của Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Phước Thiện; gạo Sóc Nê, bưởi da xanh chất lượng cao tại xã Tân Tiến; sầu riêng ở thị trấn Thanh Bình… đang trở thành địa chỉ tìm kiếm của người tiêu dùng thông thái. Những sản phẩm nông nghiệp độc đáo này đang mang lại thu nhập cao cho nông dân và tạo nên xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.

Đường về huyện Bù Đốp

Đường về huyện Bù Đốp

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đồng thuận từ nhân dân, Bù Đốp đã chuyển mình, thay áo mới. Trong ảnh: Một góc huyện Bù Đốp ngày nay

Trên những triền đồi thoai thoải của ấp Sa Trạch, xã Hưng Phước (nay là ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện) - nơi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu năm xưa, những vườn cây ăn trái sai trĩu và cánh đồng Sa Rây vẫn ngút ngàn màu xanh của lúa. Việc khai thác tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế chính là cơ sở vững chắc để cả 7/7 xã, thị trấn của huyện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới cùng với 4 khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn. Riêng thị trấn Thanh Bình - đơn vị duy nhất trong tỉnh đăng ký xây dựng đô thị văn minh sẽ đạt chuẩn trong năm 2023.

Từ một địa bàn khó khăn nhất tỉnh về giao thông, nay những tuyến đường liên xã, liên thôn, ấp đã được bê tông, nhựa hóa. Các tuyến đường trung tâm hành chính huyện đều được nâng cấp, mở rộng không chỉ làm thay đổi diện mạo khu trung tâm huyện mà tạo thuận lợi phát triển kinh tế. Một số tuyến giao thông quan trọng được kết nối với các huyện giáp biên của Campuchia. Đặc biệt, việc nâng cấp, mở rộng đường Lộc Tấn - Bù Đốp, các tuyến đường từ trung tâm huyện đi Cửa khẩu Hoàng Diệu... đã tạo chuyển biến lớn trong kết nối giao thông nông thôn và trở thành động lực để các xã vùng sâu, vùng xa của huyện “cất cánh”.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những đổi thay về hạ tầng giao thông, về chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững đã góp phần nâng cao mức sống người dân. Hiện Bù Đốp có 132 doanh nghiệp và 2.586 hộ sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân đầu người từ 3,32 triệu đồng (năm 2003) đã tăng lên 62 triệu đồng (năm 2022)... Tất cả đổi thay đó chính là thước đo về sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong huyện.

Với người lớn tuổi, từng chứng kiến những khó khăn buổi ban đầu như ông Tư Thiện, đảng viên 75 tuổi Đảng ở xã Thiện Hưng hay bà Hai Soái ở thôn Tân Trạch, xã Phước Thiện - người từng mất cả tuần lễ đi thu gom, chôn cất nạn nhân của bọn diệt chủng Pol Pot năm nào giống như “mơ giữa ban ngày”. Trên những cung đường chúng tôi qua suốt dải biên cương Bù Đốp, nhiều ngôi nhà kiểu Thái, nhà cao tầng khang trang thấp thoáng trong những vườn cao su, hồ tiêu, điều xanh mướt, trải dài bất tận như muốn nói rằng, nếu quyết tâm đủ lớn thì không điều gì là không thể.

VỮNG VÀNG PHÊN GIẬU TỔ QUỐC

Ở một vùng biên cương dài 86km này, con người không chỉ sống, lao động, học tập một cách yên bình như những vùng quê khác. Từ cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, các đoàn thể huyện, xã đến mỗi gia đình, người dân, mọi giác quan đều luôn ở mức cảnh giác cao độ để thực hiện sứ mệnh giữ cho phên giậu Tổ quốc được bình yên

Nhà bia tưởng niệm nạn nhân bị quân Pol Pot sát hại ngày 16-3-1978

Cách đây không lâu, chúng tôi đến thăm khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa với quy mô 50 căn nhà ở. Nơi đây có nhà văn hóa, điểm trường mẫu giáo và khu sản xuất tập trung. Công trình do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp các tỉnh biên giới thực hiện nhằm hỗ trợ người dân có cuộc sống ổn định, phát triển, trở thành phên giậu vững chắc bảo vệ biên giới quốc gia.

Tại vườn rau trước chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, tôi gặp chị Nguyễn Thị Đoài khi chị đang làm đất để gieo lứa rau cải mới. Chồng mất sớm, 3 mẹ con chị được xét vào sống tại khu dân cư liền kề. Chị Đoài khoe, không chỉ được cấp nhà, chị còn được cấp đất sản xuất, bò giống và 2 đứa con được miễn mọi khoản đóng góp tại trường. Mỗi sáng, mỗi chiều, những người phụ nữ í ới gọi nhau qua chốt để trồng tỉa và hái rau. Nhưng điều quan trọng không chỉ là chuyện trồng tỉa hay thu hoạch rau. Những câu chuyện hằng ngày như tìm việc làm, chuyện nuôi dạy con hay canh tác trên phần đất sản xuất được cấp sao cho hiệu quả… được các chị cùng các anh dân quân tại chốt trao đổi với nhau khiến cuộc sống vùng biên vui hơn, ấm áp và tình quân dân càng gắn kết hơn.

Công trình Thủy điện Cần Đơn nhìn từ trên cao - Ảnh: Tuấn Hùng

Trong quán nước ven đường chính của khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, tôi gặp bà Mạc Thị Nông, quê ở tỉnh Hưng Yên vào Bù Đốp lập nghiệp năm 1993. Vợ chồng bà may mắn bốc thăm được căn nhà hai mặt tiền trên trục đường lớn. Bà sắm chiếc tủ bảo ôn, vài bộ bàn ghế để phục vụ đồ uống cho người dân sống trong khu dân cư liền kề. Bà Nông kể, ngày gia đình bà còn ở thôn 4, xã Thiện Hưng, thi thoảng có mấy kẻ nghiện ngập hoặc trốn thi hành án từ Campuchia bơi qua sông Măng vào nhà “xin” gà, “xin” tiền. Để yên thân, bà chỉ chuồng gà, kệ cho chúng bắt. Từ khi có khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, chúng dạt đi đâu hết. Bà Nông dẫn tôi vào nhà khoe phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, công trình phụ rồi phấn chấn nói mỗi dịp lễ, tết, các tổ chức, đoàn thể của xã, huyện, Quân khu 7, các đơn vị quân đội, biên phòng trên địa bàn thường đến chúc tết, tặng quà. Rồi bà khoe cặp dê giống được Nhà nước cấp đã sinh thêm gần chục dê con - một khoản thu lớn của gia đình.

Vẫn còn đó những khó khăn trên bước đường hội nhập, phát triển. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Bù Đốp đang từng bước khẳng định vị thế trong sự phát triển chung của tỉnh. Sự hồi sinh trên mảnh đất từng thấm đẫm máu xương của đồng bào, đồng chí đang hiện hữu sống động, rõ nét hơn trên mỗi cung đường, qua từng khu phố và ở sự thơ thới của lòng người.

Nông dân huyện Bù Đốp đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân xã Thiện Hưng đưa công nghệ vào thu hoạch lúa - Ảnh: Đông Kiểm

Chúng tôi rời huyện biên giới Bù Đốp khi nắng chiều nhuộm vàng những triền đồi ngút ngàn cây trái. Hình ảnh những người phụ nữ cắm cúi cuốc xới bên vườn rau với những câu chuyện rôm rả lúc chiều tà ở khu dân cư liền kề xã Thanh Hòa; nụ cười mãn nguyện của những người đã chọn vùng biên giới Bình Phước làm quê hương… đang dệt nên bức tranh ấm áp, yên bình nơi biên cương Tổ quốc. Từ những điểm dân cư liền kề này, nhiều thế hệ sẽ ra đời, lớn lên và tiếp tục nối gót cha anh trong sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ phên giậu quốc gia.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/144793/binh-yen-mot-dai-bien-cuong