Bình yên Phong Mục

Nằm soi bóng xuống sông Lèn - cách ngã ba sông Mã (ngã ba Bông) chỉ một quãng ngắn, làng Phong Mục, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) là một thung lũng bình yên và xinh đẹp. Nơi đây còn là không gian văn hóa tâm linh gắn liền tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Không chỉ vậy, với khí hậu, thổ nhưỡng được thiên nhiên ưu ái, Phong Mục còn nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc trưng.

Đền thờ Cô Tám đồi chè trên đất Phong Mục.

Sông Mã hùng vĩ nơi thượng nguồn trở nên trầm lắng khi về đến hạ lưu. Như sự “sắp đặt” của tạo hóa, tại nơi một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe, con sông gắn liền với đất và người xứ Thanh bỗng “tách dòng” tạo nên một ngã ba sông (ba Bông) nhiều huyền thoại.

Tách dòng từ sông Mã - sông Lèn chảy qua địa phận các huyện Hà Trung, Hậu Lộc... trước khi hòa mình vào biển lớn. Nằm bên sông Lèn, làng Phong Mục, xã Triệu Lộc mang vẻ đẹp cổ kính và bình yên với “nhịp” sống thật chậm. Du khách lần đầu ghé thăm nơi đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước không gian làng quê được phủ kín bóng cây xanh. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng, ông Vũ Văn Hưng một người cao tuổi trong làng cho biết: “Làng Phong Mục dựa lưng vào núi Sơn Trang (ngọn núi qua làng Phong Mục còn được gọi tên núi Cánh Diều hay Đá Bạc) soi bóng xuống sông Lèn, bên kia sông Lèn cũng là núi (thuộc huyện Hà Trung) vì thế mà Phong Mục giống như một thung lũng với cảnh sắc núi sông hữu tình. Có lẽ mang hình thế của một thung lũng nên nơi đây khi xưa còn được biết đến với tên gọi Thung Mục (Mộc) trang, rồi làng Tam Phong và hiện nay mang tên Phong Mục. Người dân Phong Mục tin rằng làng đã có lịch sử lập dựng từ hơn 500 năm trước”.

Phong Mục là vùng đất bán sơn địa. Cũng bởi vậy mà nơi đây nổi tiếng với nhiều loại cây trái bạt ngàn như: sim, vải, nhãn, chè xanh, trám, sở...

Về Phong Mục, trên con đường làng mướt mát bóng cây xanh, không khó để “bắt gặp” những rừng sở xanh thẫm lá. Cây sở có hoa và lá gần giống lá chè xanh nhưng lại cho quả để ép dầu. Không ai nhớ cây sở được trồng ở Phong Mục từ bao giờ song dầu sở thì đã như một thứ “đặc sản” của vùng đất này. Như hầu hết các loại cây trái, cây sở ra hoa vào mùa xuân và cho thu hoạch vào cuối mùa thu. Quả sở sau khi hái sẽ được tách lấy hạt mang đi ép dầu. Với giá khoảng 300.000 đồng/lít, dầu sở cho giá trị kinh tế khá cao.

Cùng với cây sở thì cây trám đen (quả trám hay còn gọi quả bùi) cũng là thứ cây “đặc sản” của Phong Mục. Theo người dân địa phương, trám vốn không phải cây bản địa của người Phong Mục. Tuy nhiên, cha ông xưa trên hành trình bôn ba muôn phương vì yêu quý mà đã đưa thứ cây đặc trưng của núi rừng Tây Bắc về với Phong Mục. Để đến hôm nay, cây trám đen đã “ăn sâu bén rễ” trong vườn rừng của mỗi gia đình. Ở Phong Mục, không hiếm những cây trám có tuổi đời hơn trăm năm, vòng tay 2, 3 người ôm không xuể.

Phong Mục có nhiều nhà trồng trám đen. Ít thì một vài cây, nhiều thì cả vài chục cây, không quá lời khi nói rằng trám đen là thứ cây “cha truyền con nối” ở Phong Mục. Đặc biệt, nếu trước đây quả trám đen vốn chỉ là thức ăn chơi dân dã của người dân địa phương thì những năm gần đây lại được nhiều người ưa chuộng, trở thành loại quả hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao được đưa đi khắp nơi. Hàng năm, khi tiết thu sang cũng chính là mùa thu hoạch trám đen ở Phong Mục.

Ở Phong Mục không hiếm những cây trám đen cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm. Ngày nay, quả của loại cây này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Đặc biệt, ở Phong Mục có một thứ cây dân dã nhưng lại ngon nức tiếng: chè xanh. Không ít người còn ví chè xanh Phong Mục với chè Sánh Lược (Thọ Xuân). Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, lại được trồng trên những đồi đất tráng nắng khiến cho chè xanh ở Phong Mục lá tuy nhỏ mà dày, giòn, hương vị đặc trưng. Cây chè cứ tự nhiên mà sinh trưởng, phát triển và thay vì chặt cành, thì chè ở Phong Mục được người dân cẩn thận hái lá để cây được “bền” đến cả trăm năm.

Dẫu là thứ cây dân dã, chè xanh ở Phong Mục còn gắn liền với huyền tích Cô Tám đồi chè trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Huyền tích kể rằng, Cô Tám đồi chè vốn là tiên nữ nhà trời đã giáng sinh xuống làm con trong một gia đình ở Phong Mục. Cô Tám đẹp người đẹp nết, giỏi trồng chè, hái chè làm thuốc chữa bệnh cho người dân; lại có người nói, cô Tám chính là tiên nữ nhà trời “giáng sinh” thành cô gái trồng chè để trợ giúp Bình Định Vương Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh... Sau khi cô Tám đồi chè về Trời, người dân đã lập dựng đền thờ cô ngay trên đất Phong Mục. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Cô Tám đồi chè được biết đến là một thị nữ của Thánh Mẫu, chuyên chữa bệnh cứu người.

Ngày nay, đền thờ Cô Tám đồi chè nằm trong quần thể di tích đền Hàn (đền Phong Mục) xã Triệu Lộc. Ông Vũ Văn Hưng, hiện đang là thủ từ đền Cô Tám đồi chè, cho biết thêm: “Người dân Phong Mục luôn tin rằng, để có những vườn chè xanh ngon nức tiếng tại vùng đất này là do công lao của Cô Tám đồi chè. Ở Phong Mục khi nhắc đến chè xanh, người dân vẫn tự hào khoe rằng: chè của nhà Cô. Cũng bởi sự thơm ngon nức tiếng mà du khách muôn phương khi về Phong Mục vẫn có thói quen mua túi chè xanh làm quà . Không quá lời khi nói rằng, nhắc đến đất Phong Mục người ta nhớ đến cô Tám đồi chè và ngược lại”.

Và nhắc đến không gian văn hóa tâm linh gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Phong Mục, đâu chỉ có đền Cô Tám. Ông Mai Bá Dũng, công chức văn hóa xã hội xã Triệu Lộc, cho biết: “Quần thể di tích đền Hàn (đền Phong Mục) bao gồm nhiều di tích nối tiếp nhau, như: đền Mẫu (còn gọi đền Mẫu Phong Mục); đền Quan Giám sát; đền Ông Hoàng Bơ; đền Cô Tám đồi chè; đền Cô Đôi... các di tích nằm dưới tán cây xanh tĩnh lặng mang đến cảm giác yên bình mà linh thiêng. Hàng năm, vào tháng 6 (âm lịch) cũng là dịp diễn ra lễ hội ở Phong Mục, thu hút lượng lớn du khách về dâng hương, chiêm bái”.

Trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình và không gian tín ngưỡng tâm linh đậm đặc, không quá lời khi nói rằng du khách thật dễ “phải lòng” vùng đất, con người nơi đây. Và, nếu để gọi tên xúc cảm của mình khi về đây, ta sẽ không ngần ngại mà nói: Bình yên Phong Mục.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/binh-yen-nbsp-phong-muc/27065.htm