Bình yên tiếng kẻng làng Xuân Sơn

Một buổi chiều tháng 8, khi nắng hè vẫn chói chang và oi ả, được sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm về làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) để tìm đến địa danh còn lưu giữ và duy trì mô hình 'tiếng kẻng báo yên'.

Đài phát thanh tại làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn.

Hoằng Sơn là xã đồng bằng nằm khu vực phía Bắc của huyện Hoằng Hóa – nơi có núi Băng Sơn án ngữ ở phía Bắc và được ôm trọn bởi con sông Trà Giang. Nơi đây vốn là vùng đất cổ với tên gọi Kẻ Bưng. Đến làng Xuân Sơn, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi nơi đây vẫn lưu giữ được những nét trầm mặc, cổ kính và yên bình tự có của nó. Cũng ngôi làng này là nơi sinh ra những danh nhân nổi tiếng. Từ xa xưa, danh tướng Lê Phụng Hiểu, người làng Kẻ Bưng, hương Băng Sơn, Châu Ái (nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn) - một trong những võ tướng ưu tú, kiệt xuất dưới triều Nhà Lý. Dưới chân núi hiện nay là Khu Di tích đền thờ Lê Phụng Hiểu đang được tu sửa, tôn tạo.

Theo chân anh Lê Văn Khương, cán bộ văn hóa xã Hoằng Sơn, chúng tôi đến địa điểm đài phát thanh được xây dựng từ năm 1968 tại làng Xuân Sơn. Đài phát thanh hình tháp vẫn sừng sững, mới được sơn sửa lại, nổi bật giữa khu dân cư. Theo lời kể của người dân trong làng, vật liệu xây dựng đài phát thanh thời bấy giờ chỉ bằng đá và đất theo kỹ thuật xây dựng của người dân Hoằng Sơn. Sau này, mới được tôn tạo và trát lại bằng xi măng. Trong thời kỳ chiến tranh, đây vốn là nơi phát tín hiệu, thông báo cho người dân trong làng tránh bom. Ngày nay, đài phát thanh này được tôn tạo, lưu giữ như một “kỷ vật” lịch sử. Trên đỉnh đài phát thanh còn có một chiếc kẻng làm bằng vỏ bom được đội dân quân trong làng đào phá mang về, chính là tiếng kẻng báo yên mà bất cứ ai nếu đã sinh ra và lớn lên ở làng Xuân Sơn đều biết đến.

Để hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử về tháp phát thanh và tiếng kẻng báo yên này, chúng tôi ghé thăm nhà cụ Lê Trinh Ngát, một vị cao niên người làng Xuân Sơn. Người đàn ông cao, gầy, râu tóc bạc phơ ấy năm nay đã 87 tuổi nhưng trí nhớ còn minh mẫn. Ông từng tham gia đội dân quân năm xưa, cũng từng giữ nhiều trọng trách ở làng, xã qua các thời kỳ. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng khi được chúng tôi gợi nhắc về kỷ niệm trong cuộc đời mình cách đây đã hơn nửa thế kỷ, giọng kể của ông rưng rưng niềm xúc động và tự hào về một thời chiến tranh khói lửa nhưng đầy dũng cảm, can trường. Ông Ngát bồi hồi nhớ lại: “Năm 1967, giặc bắn phá khu vực này bởi ở đây có công trình quốc phòng. Đến đầu năm 1968, đài phát thanh được xây dựng. Riêng cái kẻng treo tại đài phát thanh có nguồn gốc từ vỏ của quả bom được dân quân đào về. Hồi ấy, dân quân trong làng ai cũng dũng cảm, xung phong đi đào phá bom. Loại bom nổ chậm ấy cũng khá tinh xảo, người dân phải mời công binh về tháo bom. Vỏ bom được cắt đôi, một phần làng giữ lại làm kẻng; một phần cho làng Cẩm Lủ - nhưng bây giờ cũng không còn”.

Trải qua thời gian, vỏ bom ngày ấy trở thành tiếng kẻng thân thuộc không chỉ của người dân làng Xuân Sơn mà cả ở xã Hoằng Sơn.

Bác Lê Huy Du, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Sơn, cho biết: Đài phát thanh không chỉ cần thiết trong thời kỳ chiến tranh mà còn được duy trì, phát triển thành “tiếng kẻng báo yên” ngày nay. Đây là quy định được sự thống nhất của người dân toàn xã, đã được đưa vào quy ước của làng. Hoạt động của “tiếng kẻng báo yên” được giao cho tổ an ninh xã hội số 3, làng Xuân Sơn trực tiếp quản lý. Cứ đúng 22h là đồng chí tổ trưởng, nhà ở ngay cạnh tháp sẽ có nhiệm vụ đánh kẻng báo yên. Âm thanh của tiếng kẻng phát ra từ đỉnh tháp chính là lời nhắc nhở để mọi người đến giờ giới nghiêm, mọi hoạt động ở các điểm tập trung đông người đều dừng lại, nhà nhà tự kiểm tra an ninh ở gia đình, khu vực mình sinh sống. Nhà nào có việc hiếu thì tắt tiếng trống, tiếng kèn; nhà nào có việc hỷ thì ngừng tiếng nhạc... cứ như vậy trở thành thói quen trong nếp sống của mỗi người dân nơi đây. Điều đáng mừng là người dân làng Xuân Sơn nói riêng và người dân xã Hoằng Sơn nói chung đều thấy được lợi ích và lúc nào cũng ủng hộ hoạt động tự quản về an ninh trật tự bằng “tiếng kẻng báo yên”, góp phần huy động sức dân ở cơ sở để bảo vệ bình yên thôn xóm. Tình hình an ninh trật tự tại đây tương đối ổn định, hầu như không xảy ra các tệ nạn xã hội...

Ở giai đoạn nào, từ trong chiến tranh hay trong thời bình thì tiếng kẻng ấy trở thành âm thanh biểu tượng của làng quê, như là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết của người dân nơi đây. Và chỉ khi về Xuân Sơn, ngắm phong cảnh và trò chuyện với những người dân nơi đây, mới hiểu vì sao, giữa cơn lốc của đô thị hóa và phát triển, vẫn còn một Xuân Sơn yên bình với những con người mộc mạc, thân tình đến thế. Như cách mà đồng chí Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn tâm sự: Từ một vùng đất không có kết nối về giao thông, khó khăn về phát triển kinh tế, nhưng bằng chính bàn tay, khối óc và sự đoàn kết của con người, năm 2018, Hoằng Sơn đã được công nhận là xã nông thôn mới. Những đổi thay trên quê hương đã và đang hiện hữu rõ nét từng ngày. Một điều vốn quý nhất, người dân Hoằng Sơn vẫn luôn mộc mạc, thân tình, đoàn kết và hướng về quê hương. Không chỉ là người dân đang sinh sống ở địa phương mà đối với những con, em xa quê luôn dành trọn tình yêu, lòng ủng hộ vì sự phát triển của vùng quê đầy ắp nghĩa tình.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/binh-yen-tieng-keng-lang-xuan-son/106353.htm