Bình yên trở lại sau 5 năm đau đớn và ám ảnh bởi nhiều lần chỉnh sửa vú

'5 năm trời tôi mới có lại cảm giác bình yên, không đau đớn, sợ hãi. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đặt túi ngực, tâm lý tôi bất ổn và ám ảnh', chị H. xúc động nói.

5 năm nay, chị T.N.H. (55 tuổi, TP.HCM) khổ sở vì co thắt bao xơ sau đặt túi ngực.

Chị kể sau thời gian sinh con và lão hóa của cơ thể, ngực chảy xệ, không tự tin. Chị đặt túi ngực để có vòng 1 đầy đặn. Niềm vui chưa được bao lâu, 2 năm sau đó, ngực chị đau đớn âm ỉ, xơ cứng, da căng bóng. Không biết đi đâu khám, chị quay lại nơi đặt túi ngực.

Bác sĩ cho biết cần phẫu thuật chỉnh sửa nhiều lần. Túi ngực được lấy ra, điều trị bằng thuốc kháng sinh. Khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm, chị được đặt lại túi ngực. Tuy nhiên, 2 bên ngực vẫn xơ cứng, đau nhức âm ỉ.

Sau đó, chị trải qua thêm 2 lần phẫu thuật lấy túi, điều trị bằng thuốc kháng sinh, đặt lại túi ngực nhưng vẫn không cải thiện. Lúc này, ngực chị căng tròn, xơ cứng như trái dừa khô. Quá mệt mỏi và đau đớn, chị quyết định lấy túi ngực ra khỏi cơ thể nhưng tuyến vú vẫn cứng. Cơn đau nhức đeo bám chị dai dẳng. Nhiều đêm đang ngủ, cơn đau ập đến khiến chị bất an, trằn trọc đến sáng.

Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đặt túi ngực, tâm lý chị H. bất ổn và ám ảnh. Chị sợ phẫu thuật và mặc cảm vì sau bao nỗ lực, vùng ngực vẫn không được như mong muốn. Nỗi lo sợ mắc bệnh ung thư vú và mô ngực hoại tử tái phát vây kín tâm trí. Chị không biết phải đi đâu khám và điều trị cho đến khi được bạn giới thiệu đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Ngồi trước phòng khám Ngoại Vú, thấy bảng điện tử hiện tên, chị cầm hồ sơ vào gặp thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Bác sĩ Giang khám, kiểm tra, nhận thấy 2 ngực chị H. co thắt bao xơ mức độ 4, tái phát nhiều lần, bầu ngực cứng và biến dạng, gồ ghề, đau khi chạm vào. Chị H. được siêu âm, chụp nhũ ảnh để loại trừ khả năng ung thư vú.

Bác sĩ Giang đánh giá mô vú còn rất ít, chủ yếu mô vôi hóa xơ chai ngấm silicon và tư vấn phẫu thuật tiết kiệm da hoàn toàn như đoạn nhũ phòng ngừa, tái tạo vú tức thì bằng vạt da cơ lưng rộng cho 2 bên ngực. Ưu điểm của phương pháp này là loại bỏ nguy cơ co thắt bao xơ tái phát và mô vú còn lại ngấm silicon, vẫn đảm bảo thẩm mỹ.

“Sợ phẫu thuật nhưng ngay từ khi khám, được bác sĩ Giang tư vấn, tôi rất tin tưởng và an tâm. Tôi không chần chừ mà đồng ý ngay, sắp xếp công việc để điều trị” – chị H. nói.

Bác sĩ Thùy Giang và ê kip bác sĩ khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Nguyễn Trăm

Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang và ê kip khoa Ngoại Vú phẫu thuật cho người bệnh. Cuộc phẫu thuật thành công sau 8 tiếng ê kip miệt mài. Tỉnh dậy, chị đặt tay lên ngực, cảm nhận không còn vết chai cứng. Ngực chị đã mềm mại, tái tạo tự nhiên, còn nguyên da và núm ti. Nỗi lo lắng thường trực về bệnh ung thư tan biến. Chị cũng không còn hoảng sợ với cơn đau âm ỉ trước đây. “5 năm trời tôi mới có lại cảm giác bình yên, không đau đớn, sợ hãi. Tôi may mắn khi gặp được bác sĩ Thùy Giang!” – chị H. xúc động.

Trước khi gặp bác sĩ Thùy Giang, chị chỉ mong điều trị được khỏi cơn đau và giảm xơ cứng bộ ngực.

Kết quả cuộc phẫu thuật khiến chị bất ngờ vì vừa giải quyết cơn đau, ngực không còn xơ cứng, được tái tạo mềm mại, tự nhiên và không còn chảy xệ.

Chị H. cho biết, chi phí phẫu thuật hợp lý, bác sĩ nhiều kinh nghiệm và nhân viên chăm sóc tận tình là điều chị hài lòng, tin tưởng ở khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Bác sĩ Thùy Giang cho biết, co thắt bao xơ sau nâng ngực không phải do túi ngực chứa chất độc hại. Đây là sự hình thành “vỏ bọc” mô sẹo xung quanh bất kỳ loại mô cấy ghép nào trong quá trình lành vết thương. Cơ thể phản ứng với bất kỳ vật thể lạ phát hiện được và tạo ra hàng rào mô sẹo xung quanh. Co thắt bao xơ khi nâng ngực giúp giữ túi ngực đúng vị trí, tránh bị trượt.

Tuy nhiên, ở một số chị em, lớp mô sẹo này bị cứng bất thường, co lại xung quanh túi ngực dẫn đến biến dạng ngực, đau vú. Có khoảng 75% trường hợp co thắt bao xơ xảy ra trong 2 năm kể từ khi đặt túi ngực, ở nhiều mức độ. Đôi khi, sau nhiều năm phẫu thuật nâng ngực, người bệnh mới bị co thắt bao xơ. Trong trường hợp này, cần kiểm tra túi ngực có bị vỡ không, bởi đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây co thắt bao xơ khởi phát trễ.

Bác sĩ Giang chia sẻ, người từng xạ trị sau phẫu thuật tái tạo vú có nguy cơ cao co thắt bao xơ. Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ như vỡ túi ngực, máu tích tụ ở mô bị cắt bỏ khi phẫu thuật (hay tụ máu), nhiễm trùng (lớp vi khuẩn mỏng phát triển xung quanh mô cấy). Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn hoặc dễ hình thành mô sẹo sau chấn thương cũng có khả năng cao bị co thắt bao xơ.

Theo bác sĩ Giang, một số người có xu hướng phát triển mô sẹo dày sau bất kỳ loại vết thương xuyên da nào. Tuy nhiên, có trường hợp, vết thương lớn và sâu chỉ để lại sẹo nhỏ hoặc mờ dần theo thời gian. Đồng thời, hệ thống miễn dịch của mỗi người phản ứng khác nhau với kích thích và mô cấy ghép y tế.

Do đó, người bệnh có hệ thống miễn dịch phản ứng kém với mô cấy ghép y tế không nên phẫu thuật thẩm mỹ ngực để tránh co thắt bao xơ. Người bệnh có hệ thống miễn dịch bị tổn thương hoặc mắc các bệnh tự miễn không nên nâng ngực hoặc chỉ chọn hình thức thẩm mỹ ít xâm lấn.

Bác sĩ Thùy Giang cũng cho biết một số cách giảm nguy cơ co thắt bao xơ như: sử dụng đúng kích cỡ túi ngực phù hợp với thể tích ngực hiện tại; bác sĩ phẫu thuật hạn chế nghiêm ngặt chạm vào túi ngực trước khi đặt vào cơ thể người bệnh; sử dụng túi ngực gel nhám,… giúp giảm nguy cơ co thắt bao xơ.

Ngoài ra, đặt túi ngực dưới cơ ngực cũng giảm đáng kể nguy cơ co thắt bao xơ. Cụ thể, đặt túi ngực một phần dưới cơ, nguy cơ co thắt bao xơ 8% – 12%. Đặt túi ngực trên cơ có nguy cơ co thắt bao xơ 12% -18%. Trong khi đó, đặt túi ngực hoàn toàn dươi cơ, nguy cơ co thắt bao xơ chỉ từ 4% – 8%.

Co thắt bao xơ ở mức độ 1 không có triệu chứng, không ảnh hưởng đến kích thước, hình dạng hoặc kết cấu của ngực. Ngực trông tự nhiên và vẫn mềm mại khi chạm vào. Ở mức độ 2, hình dạng ngực bình thường nhưng bị đau khi sờ vào. Với mức độ 3, vú căng tròn, cứng, núm vú biến dạng, không đau nhiều. Còn mức độ 4, bầu ngực cứng và biến dạng, nhạy cảm, đau nhiều khi chạm vào.

Trước đây, các lựa chọn điều trị cho người bệnh nâng ngực bị biến chứng co thắt bao xơ nặng độ 4 còn nhiều hạn chế. Người bệnh thường phải được phẫu thuật chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài, tốn kém về thời gian và chi phí, ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Trong quá trình này, túi ngực của người bệnh được lấy ra, điều trị bằng thuốc kháng sinh. Khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm, có thể chọn đặt lại túi ngực. Tuy nhiên, cơ thể dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây tái phát co thắt bao xơ.

Hiện nay, để điều trị co thắt bao xơ mức độ nặng bằng cách đoạn nhũ phòng ngừa kết hợp tái tạo bằng vạt da cơ lưng rộng (vạt tự thân trên cơ thể). Phương pháp này giúp loại bỏ mô vú còn lại ngấm silicon, bỏ mô vú còn lại ít ỏi (các mô này rất khó tầm soát ung thư vú) và nguy cơ tái phát co thắt bao xơ.

Đồng thời, người phụ nữ được tái tạo có bộ ngực cân xứng, mềm mại, tự nhiên, đảm bảo thẩm mỹ, tự tin trong cuộc sống, công việc, hôn nhân.

Bác sĩ Giang lưu ý, co thắt bao xơ ngực có khả năng điều trị cao, chị em không nên quá lo lắng dẫn đến sợ phẫu thuật nâng ngực, vì tỷ lệ co thắt bao xơ mức độ nặng rất hiếm.

Trường hợp người bệnh có bộ ngực nhỏ muốn tăng đáng kể kích thước ngực nên bắt đầu với túi ngực cỡ trung bình và để da có thời gian căng ra trước khi đặt túi ngực lớn hơn mà vẫn cải thiện thẩm mỹ, tăng sự tự tin.

PV

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/binh-yen-tro-lai-sau-5-nam-dau-don-va-am-anh-boi-nhieu-lan-chinh-sua-vu-d8630.html