Bình yên xứ đạo Đồng Tâm

Với phương châm sống 'tốt đời, đẹp đạo', bà con giáo dân xứ Đồng Tâm, thuộc xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, phát huy tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đồng bào công giáo ở Nghĩa An chủ yếu cư trú ở 2 xóm 10A và 10B (thuộc Giáo xứ Đồng Tâm) với 391 hộ và 1.587 khẩu (chiếm 24% dân số). Đi lên từ sản xuất nông nghiệp, bà con đang áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

Bà con giáo dân xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn) tham gia làm thủy lợi. Ảnh: Minh Thái

Bà con giáo dân xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn) tham gia làm thủy lợi. Ảnh: Minh Thái

Hàng năm, nhiều hộ gia đình giáo dân trở thành điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, có nhiều hộ xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa cho thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/năm. Nhờ sự đoàn kết, chung sức đóng góp của bà con giáo dân, bộ mặt đời sống ở Nghĩa An đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được nâng cấp, trường tiểu học và trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, phong trào khuyến học cũng được bà con giáo dân quan tâm, hàng năm đều có học sinh giỏi huyện, tỉnh và nhiều em đậu đại học, cao đẳng. Tính riêng năm 2018, toàn xã có trên 81% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đặc biệt 2 xóm 10A và 10B có trên 85% số hộ đạt danh hiệu này.

Gia đình anh Phạm Văn Luyện ở xóm 10B là 1 trong 11 đại biểu tiêu biểu của xã Nghĩa An vinh dự được tham gia Đại hội Đại biểu người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc huyện Nghĩa Đàn. Anh Luyện cho biết: "Trước đây, do nhận thức còn hạn chế, lại chưa biết cách làm ăn nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nay nhờ vào phát triển chăn nuôi nên có đồng ra đồng vào, cuộc sống không còn vất vả, thiếu thốn".

Là người dám nghĩ, dám làm, anh Luyện mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 200 triệu đồng và chuyển đổi gần 1 ha đất trồng mía sang trồng cỏ và nuôi 10 con bò sữa. Hiện trong chuồng có 7 con đang cho sữa, trung bình mỗi ngày cho hơn 100 lít sữa, với mức giá 12 nghìn đồng/lít, khi trừ chi phí mỗi ngày lãi hơn 1 triệu đồng.

Nhiều hộ giáo dân ở Nghĩa An (Nghĩa Đàn) đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Ảnh: Minh Thái

Thu nhập ổn định, anh Luyện có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, các con được học hành đến nơi đến chốn và nhiều năm liền được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.

Hiện nay, ở giáo xứ Đồng Tâm, ngoài gia đình anh Phạm Văn Luyện còn có nhiều hộ nông dân khác như gia đình anh Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Danh, chị Trần Thị Hiền,... nuôi từ 15-20 con bò sữa, cho nguồn thu không nhỏ. Nhờ đó, bộ mặt thôn xóm đang từng bước đổi thay, khởi sắc, nhiều hộ đã và đang vươn lên khá, giàu.

Các hộ giáo dân còn đầu tư mua máy vắt sữa, vừa tiết kiệm được thời gian, đảm bảo chất lượng nguồn sữa và giữ được mức giá cao. Ảnh: Minh Thái

Để đạt kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực, ý thức của người dân còn phải kể đến sự phối hợp của các linh mục, chức sắc và Ban Hành giáo xứ, họ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy tinh thần đoàn kết và tương thân, tương ái.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Cảnh Hóa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết: “Vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa mới được các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với các linh mục, chức sắc trong công tác tuyên truyền, thành lập mô hình xứ đạo bình yên. Bên cạnh đó, xã cũng tiến hành đổi mới cách thức quản lý mang lại hiệu quả cao như: Đào tạo những cán bộ làm công tác tôn giáo, cải cách thủ tục hành chính,...”.

Minh Thái

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/binh-yen-xu-dao-dong-tam-220536.html