BìnhThuận: 37 bị cáo lãnh án sau vụ nhóm thanh niên hỗn chiến, một người tử vong

Sáng ngày 19/6, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên án 37 bị cáo trong vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra ở huyện Tuy Phong.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa 12 năm tù giam còn 36 bị cáo còn lại lần lượt nhận mức án từ 1 năm 6 tháng đến 9 năm tù giam. Tổng hình phạt tù của 37 bị cáo là hơn 160 năm.

Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn từ trước nên nhóm Giếng Học và nhóm Hòa Đồng ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hẹn gặp nhau vào khoảng 21h45 ngày 12/7/2022 tại dốc nhà bà Mua thuộc đường liên thôn Hà Thủy 1 và Hà Thủy 3, xã Chí Công để đánh nhau.

Chuẩn bị cho việc đánh nhau cả hai nhóm chuẩn bị các loại hung khí tự tạo bằng kim loại gồm chĩa ba chấu, đao, dao phóng lợn và vỏ chai bia, gạch đá. Nhóm Giếng Học gồm: Trần Văn Vương, Trần Văn Trường, Đinh Nguyễn Anh Tịnh, Lê Thanh Liêm, Nguyễn Văn Kiệt, Nguyễn Thanh Lét, Trần Thanh Quyền, Nguyễn Ngọc, Mai Thanh Đông, Ngô Văn Đạt, Đỗ Chí Lâm, Nguyễn Hữu Phương, Lê Thanh Thiên, Nguyễn Thành Luyến, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Hậu, Lê Thanh Tú, Nguyễn Thành Vương, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Thanh Luân, Trần Biên Cương.

Các bị các tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Đắc Phú)

Nhóm Hòa Đồng gồm có: Đặng Văn Bắc, Cao Văn Hiển, Đỗ Hoàng Đang, Nguyễn Tấn Bình; Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Trọng; Đỗ Minh Tiền, Đỗ Thái Anh Duy, Lang Văn Thanh, Phạm Văn Quy, Trương Trần Quang Đăng, Nguyễn Đình Quốc Thịnh, Nguyễn Ngô Minh Thiện, Bùi Thanh Đông, Nguyễn Vũ Đức, Nguyễn Văn Hòa, Võ Tấn Lâm, Võ Văn Cường, Nguyễn Văn Hiếu, Trương Văn Thuận, Trương Văn Hòa, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Thanh Thiện, Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Xuân Kiệt, Lê Văn Tâm, Trương Văn Tánh, Nguyễn Thanh Phen, Lê Minh Tài, Bùi Thanh Quốc Kiệt.

Bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa khai nhận tại phiên tòa: khi gặp nhau tại điểm hẹn, cả hai nhóm sử dụng hung khí nguy hiểm mang theo đánh nhau, la ó, rượt đuổi nhau qua lại. Trong lúc đánh nhau qua lại thì bị cáo đã dùng chĩa ba chấu đâm Võ Tấn Lâm vào lưng và chân làm khiến Lâm tử vong.

Với mục đích để được tụ tập đánh nhau nên hai nhóm bị can đã lên kế hoạch, thời gian địa điểm, đồng lòng cùng sử dụng các loại hung khí nguy hiểm để tham gia đánh nhau, hậu quả Nguyễn Trọng Nghĩa đã dùng chĩa ba chấu đâm vào người Võ Tấn Lâm gây tử vong.

Hội đồng xét xử cho rằng: hành vi phạm tội của 21 bị cáo bên nhóm Giếng Học đã đủ yếu tố cấu thành tội Giết người với tình tiết định khung Có tính chất côn đồ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Còn hành vi phạm tội của 16 bị can bên nhóm Hòa Đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với tình tiết định khung Dùng hung khí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Hành vi trên của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến quy tắc, nếp sống văn minh, cản trở hoạt động bình thường của mọi người ở nơi công cộng và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Vì vậy, cần thiết phải xử nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.

Đại diện viện kiểm sát nhận định: Tại phiên Tòa xét xử, 21 bị cáo trong nhóm thường gọi là Giếng Học bị truy tố về tội Giết người đã khai nhận cùng đồng lòng với nhóm chuẩn bị các hung khí như: ba chĩa, phóng lợn, dao tự tạo, chai bia, gạch đá, bơm xăng cùng chung động cơ mục đích để đánh nhau với nhóm Hòa Đồng.

Lời khai nhận của 21 bị cáo phù hợp với lời khai của nhóm Hòa Đồng, phù hợp với các vật chứng thu giữ, hình ảnh video quay lại tại thời điểm xảy ra vụ án.

Quá trình điều tra xác định được người trực tiếp gây ra cái chết cho người bị hại Võ Tấn Lâm là bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa. Bị cáo Nghĩa đã thừa nhận hành vi của mình, lời khai nhận của Nghĩa phù hợp với lời khai của Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Hòa, Trần Thanh Quyền, Nguyễn Ngọc là người trực tiếp nhìn thấy Nghĩa dùng chĩa đâm Lâm, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra, kết luận giám định pháp y về tử thi.

Quang cảnh phiên tòa xét xử trước khi tuyên án. (Ảnh: Đắc Phú)

Đối với 20 bị cáo trong nhóm Giếng Học còn lại tuy không trực tiếp gây ra cái chết cho Lâm, nhưng 20 bị can đủ tuổi để nhận thức hành vi dùng các loại hung khí nguy hiểm đánh nhau có thể gây thương vong cho người khác, 20 bị cáo bỏ mặc cho hậu quả xảy ra vẫn đồng lòng cùng đi, củng cố tinh thần, phô trương thanh thế cho nhau để cùng tham gia đánh nhau với nhóm Hòa Đồng, hành vi của 20 bị cáo đã giúp sức về mặt tinh thần cho Nghĩa gián tiếp gây ra cái chết cho Lâm do đó hành vi của 20 bị cáo cũng cấu thành tội Giết người với vai trò đồng phạm giúp sức.

Hành vi trên của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến quy tắc, nếp sống văn minh, cản trở hoạt động bình thường của mọi người ở nơi công cộng và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Các bị cáo trong độ tuổi học tập và lao động nhưng không tu dưỡng đạo đức, tập trung lao động, sống văn minh lành mạnh mà lại thích tụ tập đánh nhau thể hiện bản thân, có một số bị can đã bị xử lý hành chính, khởi tố nay lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm bị cáo trước pháp luật và cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội bằng một mức hình phạt tù tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binhthuannhom-thanh-nien-hon-chien-mot-nguoi-chet-37-bi-cao-lanh-an-a613233.html