Bịt lỗ hổng chuyển tiền 'chui' ra nước ngoài

Việt Nam đã có chính sách kiểm soát hối đoái, trong đó gồm các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 70/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối, Luật Đầu tư…

Với số lượng tiền lớn đã được chuyển ra nước ngoài chỉ có thể bằng con đường bất hợp pháp hoặc bằng cách “lách kẽ hở” chính sách pháp luật. Đó là những nhận định của chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

Bất thường chuyển tiền nghìn tỷ ra nước ngoài

Vừa qua, Công ty CP Tân Tạo tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư ở Mỹ nhưng sau đó đính chính chỉ chi 633 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Chưa nói đến việc con số chính xác là bao nhiêu nhưng không chỉ Tân Tạo mà nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài của DN rất lớn. Ông đánh giá mục đích này thế nào, đó có phải là bình thường không?

- Đầu tư ra nước ngoài giúp các DN thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Phát triển thương hiệu, công nghệ, bí quyết công nghệ, sử dụng đội ngũ quản lý, khoa học kỹ thuật bản xứ… và áp dụng những thành công ở nước ngoài vào hoạt động kinh doanh của công ty mẹ trong nước.

Dù vậy, không loại trừ các đối tượng rửa tiền lập các công ty bình phong, thông qua hoạt động của những công ty này và chế biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”. Hay một hình thức khác nữa, đó là chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư núp bóng.

Trong khi minh bạch thông tin dự án, nguồn tiền đầu tư là yêu cầu rất quan trọng, nhưng tại một số quốc gia "dễ tính" lại không coi trọng điều này. Từ đó, dẫn đến những lo ngại về mặt pháp lý khi rất có thể đây là “giao dịch đáng ngờ” (thuật ngữ để chỉ những giao dịch không rõ ràng, có khả năng dùng để rửa tiền) và là kênh rửa tiền của các cá nhân.

Vậy phải chăng quy định chuyển tiền ra nước ngoài của Việt Nam đang bị bỏ lỏng?

- Theo quy định, việc chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng quy định rất chặt chẽ và phải qua nhiều bước với quy trình khá phức tạp. Trước hết, muốn chuyển tiền phải có cấp phép của Bộ Tài chính hoặc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Và khi đến các ngân hàng xin chuyển tiền phải có giấy phép trên và cho họ biết lý do. Nếu chuyển tiền cho con đi du học hoặc chữa bệnh phải có giấy tờ chứng minh học phí hay biên lai bệnh viện. Phải có giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, xác nhận nhập cảnh trên hộ chiếu, hợp đồng lao động hoặc các giấy tờ khác chứng minh người được trợ cấp đang ở nước ngoài…

Hạn mức để gửi tiền trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài cũng được quy định ở mỗi ngân hàng một mức khác nhau. Có ngân hàng đồng ý mức chuyển tiền cho một thân nhân được hưởng trợ cấp là không quá 20.000 USD/năm; song lại có ngân hàng quy định hạn mức chuyển tiền tối đa chỉ có 7.000 USD/người/năm.

Còn nếu chuyển tiền với mục đích định cư thì ngoài những giấy tờ cơ bản như hợp đồng mua bán ngoại tệ, hộ chiếu còn hiệu lực…, người dân còn phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số tiền; trong đó bao gồm cả tính hợp pháp của việc người đi định cư sở hữu số tiền đó, đồng thời người chuyển tiền còn phải chứng minh nguồn gốc tiền có hợp pháp hay không, giấy phép mang ngoại tệ ra nước ngoài có hợp lệ hay không… Còn thông thường các DN có thể chuyển tiền ra nước ngoài theo mục đích kinh doanh nhưng vẫn phải có giấy phép của Bộ Tài chính và NHNN.

Nguy cơ rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế…

Quy định chuyển tiền ra nước ngoài là như vậy, nhưng đã có vụ việc lượng tiền “khủng” trót lọt ra nước ngoài. Đây có phải là việc bất chấp các quy định của pháp luật?

- Thông thường các DN có thể chuyển tiền ra nước ngoài theo mục đích kinh doanh nhưng vẫn phải có giấy phép của Bộ Tài chính và NHNN. Ngoài ra, chỉ có 2 cách: Thứ nhất chuyển tiền lậu; thứ hai là tìm một ngân hàng hay một công ty tài chính nào hợp tác với mình, họ sẵn sàng hoạt động ngoài vòng pháp luật.

Các đối tượng lợi dụng những kẽ hở pháp luật để "lách". Đó là làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu, nâng khống, giá trị hàng hóa thương mại trong các hồ sơ thanh toán và dễ dàng trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã hoàn thành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt và chồng là Phạm Anh Tuấn (cùng trú tại Hà Nội) câu kết cùng các đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Bằng thủ đoạn lợi dụng sự kiểm soát đang còn rất lỏng lẻo của ngân hàng để làm giả hồ sơ thương mại, xuất nhập khẩu làm căn cứ thực hiện đủ các giấy tờ như giấy đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền, phụ lục hợp đồng… phục vụ cho việc chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài tại các ngân hàng.

Trong vụ “cờ bạc nghìn tỷ” liên quan tới Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương bị khởi tố năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài dễ dàng theo con đường “hợp đồng kinh tế”.

Hình thức thứ hai, là lợi dụng lỗ hổng kiểm soát cổng thanh toán quốc tế Paypal, Payoneer, các giao dịch tiền ảo qua hệ thống điện tử…

Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng đến nay, các cổng trung gian thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính… vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hay công nhận. Bằng hình thức này, rất nhiều người giàu có trong nước có thể chuyển tài sản của mình qua tài khoản của người khác ở nước ngoài.

Các hình thức chuyển tiền chui cũng rất đa dạng, trong đó gần đây xuất hiện dịch vụ chuyển tiền chui thông qua các ứng dụng (app), các tiệm vàng… với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều vụ vận chuyển lậu tiền trái phép ra nước ngoài. Trong vụ án buôn lậu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính của công ty này) thừa nhận thông qua trung gian đã chuyển hơn 2.500 tỷ đồng ra nước ngoài.

Còn chưa kể đến việc có sự cấu kết giữa các đối tượng với cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các các dịch vụ thanh toán quốc tế mà chúng ta thấy rõ trong vụ án nói trên. Theo đó, cơ quan điều tra xác định, một số nhân viên ngân hàng tại Móng Cái, Quảng Ninh đã cấu kết với các đối tượng để thực hiện thành công các giao dịch thanh toán quốc tế. Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế, nhân viên ngân hàng được hưởng lợi số tiền 500.000 - 1.500.000 đồng/1 triệu USD.

Rà soát các giao dịch đáng ngờ

Cách nào có thể ngăn chặn việc chuyển tiền ra nước ngoài để rửa tiền?
- Tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài để rửa là vấn đề nóng trong những năm gần đây khi ngày càng tăng dần về lượng và thủ đoạn cũng tinh vi hơn.

Chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến các giao dịch chuyển tiền qua biên giới là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay. Kiểm soát chặt chẽ các DN có doanh thu tại Việt Nam nhưng hoạt động kinh doanh “bất thường” và lại chuyển lợi nhuận hoặc đầu tư ra nước ngoài số lượng lớn.

Cần hoàn thiện các quy định về Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật DN, Luật Đầu tư, các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu… Đặc biệt, quy định về cơ chế giám sát các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; giám sát đối với các hoạt động chuyển tiền, thanh toán các giao dịch vãng lai; giám sát chặt việc quản lý thành lập DN để ngăn chặn kịp thời việc thành lập các DN “ma” hoạt động phi pháp, tổ chức buôn lậu, trốn thuế…

Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của thị trường phi chính thức cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan: Bộ Công an, NHNN, bộ Công Thương… và UBND các tỉnh, TP. Cần phải nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ làm công tác chuyên trách; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.

Đặc biệt phương thức rửa tiền mới, rất khó để ngăn chặn hiện nay là qua sàn tiền ảo, đồng tiền kỹ thuật số tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khi chảy máu ngoại tệ với số lượng lớn.

Phải có khung pháp lý giao dịch sàn tiền ảo (ví dụ như buộc các sàn tiền ảo phải đăng ký) để có cơ sở pháp lý giám sát các giao dịch; Phải có công cụ theo dõi (công nghệ thông tin mới nắm bắt được giao dịch và ngăn chặn giao dịch đó) để thực hiện pháp luật và thứ ba là có khung xử phạt tội phạm.

Cơ quan quản lý nhà nước phải theo kịp câu chuyện công nghệ phát triển. Từ đó, hành lang pháp lý cũng phải thay đổi thì mới cải thiện được.

Cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cập nhật xu hướng biến đổi của công nghệ. Cơ quan quản lý nhà nước phải theo kịp câu chuyện công nghệ phát triển. Từ đó, hành lang pháp lý cũng phải thay đổi thì mới cải thiện được.

Xin cảm ơn ông!

"Việc chuyển tiền nếu không có nguyên nhân chính đáng sẽ làm hại cho quốc gia, tổn thất ngoại tệ quốc gia, chảy máu ngoại tệ. Tiền từ hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế mà chỉ được đầu tư vào những tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào một số công ty “bình phong” hoặc mua hàng hóa xa xỉ… Các hoạt động này làm suy giảm hiệu quả kinh tế của giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường." - TS Nguyễn Trí Hiếu

Trâm Anh (thực hiện)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bit-lo-hong-chuyen-tien-chui-ra-nuoc-ngoai.html