'Bịt miệng' cửa thu

Ví von gì trừu tượng vậy anh Tư?

Một cửa thu nước mưa trên đường Tân Trào không phát huy công năng.

- Bề Tui không thấy sao? Nhiều tuyến cống thoát nước trong khu dân cư, thậm chí ở các con đường lớn đều không có lỗ thở, phần giao giữa bó vỉa và lòng đường nham nhở vì nhiều cửa thu nước mưa trên mặt đường bị bít lại theo những cách khác nhau.

- Ừ đúng rồi, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng, cửa thu và thoát nước bị “cưỡng bức” một cách tự nhiên hoặc do con người. Chỗ thì bị lá cây, rác sinh hoạt ứ đọng lâu ngày không được thu dọn, khơi thông; chỗ thì bị người dân bít lại bằng miếng cao su lớn, thậm chí là xây bít bằng hồ để ngăn mùi hôi. Bên cạnh do hạ tầng thoát nước kém, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước mưa trên đường không chảy được xuống cống, góp phần gây ngập úng cục bộ trong điều kiện mưa lớn liên tục.

- Đúng là nhiều người họ có thói quen rất lạ, vì quyền lợi cá nhân mà ảnh hưởng đến cộng đồng khi tìm cách “bịt miệng” cửa thu nước để khỏi ảnh hưởng mùi hôi.

- Nói đi thì cũng phải nói lại, trong điều kiện nước mưa và nước sinh hoạt đi chung một hệ thống thoát thì mùi hôi từ cống cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều gia đình, của khu dân cư. Việc dùng hồ bít miệng cống, cửa thu như vậy là không đúng quy định, cơ quan chức năng có thể xử lý nếu bắt quả tang. Nhưng việc đó là rất khó khăn.

- Vậy vì sao cơ quan chuyên môn về thoát nước và xử lý nước thải không nghiên cứu làm cái nắp cửa thu “2 trong 1”, vừa ngăn mùi hôi từ cống vừa có khả năng thu nước từ mặt đường khi có mưa nhỉ?

- Theo ông Hà Văn Thành- Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, thành phố cũng từng thí điểm lắp đặt hệ thống này ở một số tuyến đường. Hiệu quả của việc ngăn mùi hôi thì rõ ràng nhưng khả năng thoát nước thì còn gặp một số hạn chế, chưa thể đánh giá toàn diện. Nếu để đề xuất triển khai đồng loạt phương án lắp đặt hệ thống nắp cửa thu nước khi mưa đồng thời ngăn mùi hôi trong điều kiện bình thường thì cần phải có sự khảo sát, đánh giá, thí điểm cụ thể.

- Chà, làm cách gì cho đỡ ngập cục bộ mà cũng mất thời gian ghê nhỉ?

- Bởi vậy, Bề Tui thiển nghĩ chính quyền các địa phương, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền người dân thường xuyên thu gom rác ở miệng cửa thu, không tự ý để vật cản hay bít lại. Về lâu dài cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp “2 trong 1” để vừa đảm bảo mỹ quan, môi trường cũng như đảm bảo khả năng tiêu thoát vào mùa mưa.

BỀ TUI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bit-mieng-cua-thu-post269465.html