Bitcoin lại đối mặt với rủi ro giảm giá

Giá các đồng tiền mật mã lớn trôi dạt trở lại xuống mức thấp hơn vào hôm qua, xóa sạch mức tăng khiêm tốn đạt được hôm thứ 3, tuy nhiên vẫn giữ được vùng hỗ trợ ngắn hạn gần đây. Dù vậy, rủi ro cho một đợt giảm giá mới đang được nhắc đến nhiều hơn khi liên tiếp thất bại trong việc chinh phục mốc 4.000 USD.

Rủi ro cho một đợt giảm giá mới?

Vào cuối ngày, Bitcoin nằm quanh 3.850 USD/BTC, giảm 0,4% so với ngày trước đó trên sàn Kraken. Đồng tiền mật mã nổi tiếng này vẫn giao dịch trong phạm vi chặt chẽ 3.400 – 4.400 USD kể từ đầu năm đến nay.

Các đồng tiền mật mã khác (altcoins) cũng chìm trong sắc đỏ theo Bitcoin vào hôm qua. Đồng Ether giảm 1,5% xuống 130,9 USD; đồng Litecoin mất 2% còn 54,8 USD; đồng Bitcoin Cash rớt 0,7% xuống 126,3 USD và đồng XRP giảm 0,7% xuống 0,31 USD.

 Đồng Litecoin mất 2% còn 54,8 USD

Đồng Litecoin mất 2% còn 54,8 USD

Các hợp đồng Bitcoin kỳ hạn cũng kết thúc thấp hơn. Hợp đồng Bitcoin kỳ hạn tháng 3 trên sàn CBOE đóng cửa giảm 0,3% xuống 3.850 USD, trong khi hợp đồng tương tự trên sàn CME giảm 0,1% xuống 3.840 USD.

Đáng lưu ý, khối lượng giao dịch sau khi tăng vọt trong những tuần trước, thì hiện tại đang suy giảm. Theo CoinMetrics.io, sự sụt giảm số lượng giao dịch Bitcoin đã trùng khớp với thời điểm kết thúc giai đoạn testnet của VeriBlock. Những tài khoản của startup này chiếm 25-40% giao dịch Bitcoin, đây là một số tiền khá lớn đối với quy mô của nó.

Trong khi đó, báo cáo từ Bloomberg cho thấy các chỉ số giá hiện tại đều cho thấy Bitcoin đang có dấu hiệu của một đợt giảm mới. Theo chia sẻ các dấu hiệu phân tích kĩ thuật, nhu cầu mua vào trong dài hạn của Bitcoin đang giảm. Bloomberg cũng chỉ ra rằng đường MACD của các đồng tiền điện tử cũng đang có dấu hiệu lao dốc từ giữa tháng 2, hiện đang nằm ở 44,3, hướng dần về khu vực khuyến nghị nên bán ra.

Bitcoin đã test mức kháng cự 4.000 USD nhiều lần trong những tuần vừa qua, tuy nhiên vẫn chưa thể có một đợt phá cản nào diễn ra. Bloomberg khẳng định, dù có phá được mức cản này, Bitcoin vẫn phải đối mặt với một áp lực bán ra lớn. Nhà phân tích Mike McGlone của Bloomberg cho biết: “Cả ngành công nghiệp đang dần đi vào lối mòn giá giảm. Các điều kiện hiện tại khá giống tháng 11 năm 2018, khoảng thời gian ngay trước sự lao dốc. Giá hiện đang dao động trong khoảng không quá lớn, với một số dấu hiệu của sự giảm mạnh”.

Ether không phải là chứng khoán

Sau khi Chủ tịch ủy ban chứng khoán Mỹ, Jay Clayton tái khẳng định quan điểm của cơ quan này không xem Ether là một loại chứng khoán, thì Gavin Smith, CEO của Panxora, một sàn giao dịch tiền mật mã, phát biểu: “Thật tốt khi chứng kiến SEC thực hiện một cách tiếp cận hợp lý với tiền mật mã”.

Chủ tịch SEC tuyên bố Ether không phải là chứng khoán

Ông bình luận: “Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn ra khỏi khu rừng rậm. Các tổ chức tiền mật mã toàn cầu vẫn sẽ chờ xem Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào để điều tiết và quản lý tiền mật mã trong tương lai. Điều này là do chính quyền Hoa Kỳ có cổ phần kiểm soát trong việc phát triển tiền mật mã trên toàn cầu. Cho đến nay nước này đã nhiều lần phạt tiền và đôi khi tố tụng hình sự đối với các công ty, bất kể họ có đang điều hành hợp pháp các khu vực pháp lý của riêng mình hay không”.

Việc xác nhận Ethereum không phải là chứng khoán có thể giúp Ethereum có những bước phát triển mới trong việc pháp lý, cũng như không phải thuộc diện kiểm toán. Ngoài ra, đây có thể là điều kiện thích hợp để các sàn giao dịch phái sinh ở Mỹ cung cấp hợp đồng tương lai.

Ngoài ra, nhà đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã đề xuất ví tiền tính phí Gas cho các giao dịch nhằm hỗ trợ các nhà phát triển trong một tweet vào ngày 8/3.

Đến lượt IBM nhảy vào ngành công nghiệp tiền mật mã

Trong một diễn biến khác, hãng IBM đang âm thầm gia nhập thị trường lưu ký tiền mật mã với công nghệ được thiết kế dành cho các ngân hàng. Cụ thể vào cuối tháng này, Shuttle Holdings, một công ty đầu tư ở New York, sẽ ra mắt phiên bản beta của một giải pháp lưu ký dành cho các tài sản kỹ thuật số được xây dựng trên công nghệ mã hóa và đám mây riêng (private cloud) của IBM. Các công ty sẽ không lưu trữ bản thân tiền mật mã, mà sẽ cung cấp các công cụ để những người khác thực hiện điều này.

Brad Chun, giám đốc đầu tư của Shuttle, chia sẻ với CoinDesk rằng, những người dùng tiềm năng bao gồm các ngân hàng, người môi giới, người giám hộ, quỹ, công ty quản lý tài sản gia đình và cá nhân có giá trị tài sản lớn (High Net Worth Investor) muốn tự lưu ký, có thể thực hiện công cụ nêu trên. Ông chia sẻ: “Chúng tôi có một danh sách các khách hàng chọn lọc mà chúng tôi sẽ triển khai dịch vụ hạn chế trong tháng này”.

IBM đã giới thiệu giải pháp này tại hội nghị “Think 2019” của mình hồi tháng trước tại San Francisco, nơi mà Nataraj Nagaratnam, CTO kiêm giám đốc bảo mật điện toán đám mây của gã khổng lồ công nghệ, đã gọi việc lưu trữ tiền mật mã là trường hợp sử dụng chính cho đám mây Big Blue.

Động thái này cho thấy IBM đang tiến sâu hơn vào lĩnh vực tài sản kỹ thuật số, sau khi phát triển Blockchain riêng tư Hyperledger Fabric dành cho các doanh nghiệp và gần đây hơn là tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử thông qua công việc của mình với Stellar Foundation.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bitcoin-lai-doi-mat-voi-rui-ro-giam-gia-159663.html