Bitexco đòi chi phí cơ hội: Thận trọng mất hai lần

Nếu thực hiện bồi thường chi phí cơ hội cho nhà đầu tư mà cơ chế không minh bạch, công khai sẽ có nguy cơ sai hai lần, mất hai lần.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Chính phủ, kiến nghị giao cho cơ quan này tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm về chi phí chuẩn bị dự án, thanh toán cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo chỉ đạo của Nghị quyết 20 của Chính phủ. Theo Bộ GTVT, việc xác định chi phí cơ hội này được thực hiện trong quá trình triển khai kiểm toán giá trị thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.

Xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư phải công khai, minh bạch. Ảnh: Vneconomy

Xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư phải công khai, minh bạch. Ảnh: Vneconomy

Nêu quan điểm về kiến nghị trên, LS Trương Thanh Đức cho biết, về nguyên tắc thị trường cũng như các giao kết thực hiện hợp đồng kinh tế, yêu cầu bồi thường chi phí cơ hội cho nhà đầu tư là đúng.

Chi phí cơ hội được tính toán dựa trên những thiệt hại nhà đầu tư phải chịu do chủ trương thay đổi khiến nhà đầu tư mất đi cơ hội hoặc đã phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định cho dự án đó.

Tuy nhiên,ông Đức cũng thừa nhận, yêu cầu bồi thường chi phí cơ hội cho các nhà đầu tư hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, gần như là không tưởng. Một phần do thiếu cơ chế thị trường hoàn thiện, phần khác, yếu tố minh bạch, là một nguyên nhân khiến thực thi chính sách bồi thường khó khăn hơn.

"Ngay cả với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay cũng đang gặp khó khăn trong việc đòi hỏi bồi thường các khoản chi phí cơ hội như vậy. Nhưng trong trường hợp đó, yêu cầu bồi thường chi phí cơ hội cũng được xem là một cách để tạo dư luận, gây sức ép đổi lấy dự án khác, bù đắp lại cho nhà đầu tư", ông Đức nói.

Nguy cơ hai lần sai

Ở góc độ khác, LS Trương Thanh Đức cũng đưa ra lời cảnh báo, nếu thực hiện bồi thường chi phí cơ hội cho nhà đầu tư mà cơ chế không minh bạch, công khai thì nguy cơ sai hai lần, mất hai lần.

"Về nguyên tắc chỉ định thầu hay tổ chức đấu thầu dự án thì nhà đầu tư khi thực hiện đều phải mất thời gian, bỏ chi phí nghiên cứu, đánh giá dự án như nhau, như vậy, chi phí cơ hội đều như nhau.

Tuy nhiên, việc tính toán chi phí cơ hội phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch.

Với các trường hợp chỉ định thầu, có khuất tất, tiêu cực, có đi đêm, ưu ái để lựa chọn nhà đầu tư thì việc chi trả chi phí cơ hội nếu không cẩn thận sẽ khiến chúng ta mắc thêm sai lầm lần thứ hai. Thực hiện chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu công khai theo cơ chế thị trường, tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng là sai lầm lần thứ nhất.

Việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư dựa trên sai lầm sẽ tiếp tục tạo ra sai lầm lần thứ hai.

Kể cả tình trạng móc ngoặc, tổ chức đấu thầu gian dối, sử dụng quân xanh, quân đỏ để được trúng thầu cũng có nguy cơ khiến nhà nước mất thêm hai lần", ông Đức nói.

Siết quy định, loại nhà đầu tư tay không bắt giặc

Liên quan tới dự án này, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Bitexco, Bộ Giao thông cho biết đã đàm phán với Bitexco đồng ý phương án 1.

Phương án 1 từng được đưa ra trước đó là Tập đoàn Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Trước đó,theo Bộ Giao thông Vận tải, Bitexco đã chi tổng cộng 84,1 tỷ đồng cho dự án, bao gồm chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý và chi phí dich vụ tư vấn - dịch vụ.

Bên cạnh đó, Bitexco cho rằng công ty phải được tính thêm chi phí cơ hội. Cụ thể, theo báo cáo của doanh nghiệp này, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp dự án (trong đó có Bitexco) sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng mức chi phí cơ hội bằng tỷ suất lợi nhuận 11,77%/năm là phù hợp với thực tế hiện nay và đảm bảo phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 120/2018 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Bộ cũng nhấn mạnh sẽ không chấp nhận khoản chi phí cơ hội cho phần vốn chuẩn bị sẵn như trước đây Bitexco đề xuất vì đây là khoản cho phí Bitexco chưa sử dụng cho dự án nên không có cơ sở để xem xét. Khi đó, chi phí cơ hội được xác định khoảng 79,5 tỷ đồng.

Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Tập đoàn Bitexco được Chính phủ giao lập đề xuất dự án năm 2007 và lập dự án đầu tư năm 2008.

Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt "đề xuất dự án" và sau đó là "Báo cáo nghiên cứu khả thi" - lần 1 (năm 2011).

Đến tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1597 chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án.

Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp luật hiện hành nên cấu trúc dự án chưa được Chính phủ thông qua. Bộ Giao thông Vận tải đã hủy kết quả sơ tuyển.

Tháng 3/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20, trong đó nêu rõ Thủ tướng quyết định dừng triển khai quyết định 1597 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bitexco-doi-chi-phi-co-hoi-than-trong-mat-hai-lan-3379926/