Blockchain không phải là công cụ để tạo ra sản phẩm an toàn

(TBKTSG Online) – Khi áp dụng vào chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, công nghệ blockchain sẽ làm minh bạch, giúp người tiêu dùng biết rõ về nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, nó không phải là công cụ quyết định để tạo ra thực phẩm an toàn.

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lina Network đang trình bày tại hội thảo hôm 5-7 tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng công nghệ blockchain” được tổ chức hôm 5-7 tại thành phố Cần Thơ, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lina Network cho biết công nghệ blockchain rất có ích cho ngành nông nghiệp khi giúp kiểm soát nguồn gốc, quá trình sản xuất của thực phẩm. Công nghệ này có các thuộc tính như tính chuẩn hóa, minh bạch, bất biến, an toàn, liên kết và có thể sử dụng được ở mọi chỗ, mọi nơi, nghĩa là tất cả các công đoạn làm ra một sản phẩm đều được kiểm soát và được ghi lại.

Ví dụ, tất cả quá trình từ khi gieo hạt, ươm cây giống, cho đến cây phát triển 5-10 lá, rồi ra hoa, quả… đã sử dụng loại phân gì, thuốc gì, hàm lượng bao nhiêu, cách thức chăm sóc như thế nào, lượng nước tưới bao nhiêu, ánh sáng ra sao đều được ghi lại.

"Khi ghi lại như vậy, chỉ cần dùng mã quét truy xuất nguồn gốc là có thể nhìn được hết toàn bộ "lý lịch" của sản phẩm”, ông nói.

Ông Ca cho biết đây sẽ là con đường tất yếu quyết định có bán được sản phẩm hay không. Nhờ vào việc minh bạch toàn phần quá trình sản xuất thực phẩm, đối tác có thể dễ dàng quyết định ký mua mà không cần kiểm tra thực tế.

“Nếu như trước đây, một khách hàng Nhật muốn mua nông sản Việt Nam phải qua tận nơi, nhìn thấy tận mắt vườn trái cây, cách chăm sóc... rồi mới đặt hàng; hoặc doanh nghiệp nước ngoài muốn mua tôm phải đến ao tôm xem máy móc, kiểm tra ao, đo chất lượng nước, cách sử dụng thức ăn… thì nay, nhờ blockchain, họ chỉ cần ngồi bên nước họ, xem tất cả các công đoạn trên qua một mã quét", ông dẫn chứng.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của TBKTSG Online bên lề hội thảo rằng: “Trong chuỗi sản xuất lúa, đến giai đoạn bón phân lần đầu cho cây lúa, người nông dân bón 50 kg phân Urea/1.000m2, nhưng họ báo bón chỉ 30 kg, thì ai giám sát việc này?”

Ông Từ Minh Thiện, Phó giám đốc Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cho rằng, doanh nghiệp phải trung thực và có giấy chứng nhận sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn.

“Tất cả các đơn vị tham gia sử dụng công nghệ này đều được yêu cầu đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định như VietGap, GlobalGap… Khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người sử dụng có thể biết sản phẩm này của doanh nghiệp nào, có giấy chứng nhận tiêu chuẩn trên hay không", ông Thiện nói.

Do tính chất dữ liệu đầu vào như thế nào, thì kết quả đầu ra sẽ như thế đó hay nói cách khác, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn sẽ cho ra kết quả sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và ngược lai. Do vậy, công nghệ blockchain không quyết định được việc tạo ra một sản phẩm an toàn, mà chỉ minh bạch quá trình đó.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274826/blockchain-khong-phai-la-cong-cu-de-tao-ra-san-pham-an-toan.html