Blogger Đinh Hằng: 'Nếu muốn bỏ việc thì đừng ăn bám'

Bạn thường xuyên kêu chán ngán công việc, đòi bỏ việc và tìm một công việc mới, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng mình đã đủ can đảm và sự chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai đầy trắc trở và khó khăn ở phía trước hay không?

Blogger Đinh Hằng (1987) là một trong những cái tên nổi tiếng trên mạng xã hội với rất nhiều câu chuyện về các hành trình khám phá các vùng đất mới. Cô nàng cá tính, mạnh mẽ này đã có những bài viết, những trải nghiệm truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ thích khám phá và đam mê du lịch. Đối với Đinh Hằng, chỉ cần có đam mê, có cố gắng, chắc chắn bản thân sẽ làm được những điều mà mình mơ ước. Cô nàng luôn khẳng định quan điểm được sống trong chính cuộc sống mình muốn, được làm những việc mình thích và đi nơi mình thích… đó là hạnh phúc. Những ngày tháng rong ruổi khắp mọi nơi mang đến cho cô những bài học vô cùng thú vị.

Đinh Hằng luôn rong ruổi khám phá mọi miền đất mới

Đinh Hằng luôn rong ruổi khám phá mọi miền đất mới

Gần đây, trên trang cá nhân của mình, Đinh Hằng đã có đôi dòng tâm sự và chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện cô đã mạnh dạn từ bỏ công việc của hiện tại để thay đổi sang một cuộc sống "khác" đó là cháy hết mình với đam mê du lịch. Để có được những gì như ngày hôm nay, khác với tưởng tượng về cuộc sống chỉ "ăn và chơi" để cho ra đời các bức ảnh đẹp như trong suy nghĩ của mọi người, cô cũng phải trải qua những tháng ngày cũng chẳng mấy dễ dàng. Thông điệp mà Đinh Hằng muốn gửi đến các bạn trẻ đó là: Không quan trọng bạn bắt đầu khi nào, chỉ cần bạn có quyết tâm và đam mê, kiên trì đến cùng, chắc chắn bạn sẽ làm được. Có những bài học trải nghiệm mà chỉ cuộc sống này mới có thể dạy cho bạn mà thôi.

"Hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện năm tôi 31 tuổi, bỏ việc 4 năm, mỗi năm đi 13 nước và chưa bao giờ phải ngửa tay xin tiền ai. Vì sao tôi làm được như vậy?

Trước khi bỏ việc, hãy nhẩm tính xem mình sẽ sống sót bao lâu với số tiền hiện có

Trừ phi nhà bạn quá giàu bố mẹ đưa cho một số tiền và năn nỉ bạn tiêu giùm, hoặc bố mẹ quá cưng chiều, khi thấy con vất vả lam lũ liền kêu về nuôi khỏi cực khổ thì bạn đừng ảo tưởng đến viễn cảnh đang yên đang lành đập bạn đứng dậy và hét vào mặt sếp rằng: "TÔI BỎ VIỆC" giữa một chiều Sài Gòn nóng nực.

Trước khi bỏ đi nguồn thu nhập chính, hãy mở tài khoản ngân hàng ra và nhẩm tính xem bạn sẽ sống sót được bao lâu với số tiền hiện có? 1 tháng, 2 tháng hay 1 năm?

Bao lâu nếu bạn vẫn giữ tốc độ ăn chơi như hiện tại, bao lâu nếu bạn tiết giảm mọi thứ và sống như một vị thần không đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời vốn khó khăn này?

Ví dụ 6 năm trước khi tôi nghỉ việc lần đầu và dự định cho một chuyến du lịch thế giới dài hơi kéo dài 1 năm, tôi đã phải cật lực làm trong năm cuối cùng và ra đi với số tiền vừa đủ để chi trả cho suốt một năm đó.

Tiếp theo là gì? Cuộc đời bạn sẽ đi về đâu?

Hãy chắc chắn rằng, ngày bạn bỏ việc sẽ là một ngày mang đầy tính lịch sử: vừa phấn khích tột cùng vừa hoang mang tột độ.

Bạn cảm thấy như mình đang tạo nên một dấu ấn lịch sử cuộc đời mình (dù sau dấu ấn ấy, cuộc đời bạn sang trang mới đầy màu hồng hay tối đen như bùn thì bản thân bạn cũng không hề biết trước).

Bỏ qua hết những cảm xúc xáo trộn trong một phút giây huy hoàng lịch sử đó, khi tất cả mọi người ngưỡng mộ lẫn ghẹn tỵ, cười ha hả kêu bạn ngu khi thấy bạn ra đi khỏi nơi chốn ngục tù giam hãm tinh thần bạn bấy lâu, buổi sáng thức dậy sau một tuần kể từ ngày ấy, bạn nên hỏi mình bạn sẽ làm gì tiếp theo khi số tiền cạn dần?

Tìm một công việc full time mới? Đi học? Đi khởi nghiệp? Đi làm tình nguyện? Quay lại công ty cũ khóc lóc năn nỉ ỉ ôi để làm lại? Về bám quần mẹ xin xỏ tiền tiêu xài? Gì cũng được, nhưng phải ra tiền. Vì sao bạn biết không?

Vì tiền không rơi từ trên trời xuống, không mọc trên cây và cũng không đào từ đất lên được

Nếu bạn không trúng xổ số thì rõ ràng là nếu không đi làm bạn sẽ chẳng biết kiếm đâu ra tiền. Chỉ khác là nếu bây giờ bạn không đi làm full time nữa thì cách kiếm tiền sẽ phải khác đi.

Đừng mơ đến viễn cảnh việc nhẹ lương cao hay kinh doanh một đêm thành công bay đến ngay lập tức. Bạn đầu tư cho công việc ấy như thế nào thì tiền kiếm về tương đương như vậy. Đừng mong làm một công việc theo kiểu part time mà tiền kiếm về là full time.

Nói đơn giản thế này, khi bạn không làm full time nữa, bạn thoát khỏi áp lực về thời gian sáng đi đêm về, áp lực của sếp, đồng nghiệp và khách hàng Nhưng sẽ có một tỷ không trăm lẻ tám áp lực khác bạn phải đối mặt khi làm tự do.

Nước mắt đằng sau ba tiếng "LÀM TỰ DO"

Nếu bạn lựa chọn kinh doanh thì đó là áp lực mỗi ngày mở mắt ra phải cố gắng nghĩa xem hôm nay phải bán được bao nhiêu hàng để chi trả tiền mặt bằng, trả lương nhân viên, giải quyết hàng tồn kho, làm sao để có thêm khách hàng, khi nào thu hồi vốn, áp lực của thất bại…?

Nếu làm freelancer, bạn phải đối mặt với thu nhập bấp bênh. Không có việc thì sẽ xác định không có tiền ăn, tiền tiêu. Lúc có việc thì phải làm ngày làm đêm làm để chạy theo deadline. Làm xong thì nhiều khi bị khách hàng xù, hoặc đi đòi nợ như đi ăn xin.

Làm tự do còn một kiểu áp lực nữa là áp lực từ gia đình, bạn bè hay miệng đời.

Vì họ lúc nào cũng chỉ thấy bạn thảnh thơi như một đám "lông bông" suốt ngày ngồi cà phê cà pháo, không phải sáng đi đêm về, chứ họ không thấy những khi bạn thức trắng đêm hoàn thành dự án, không thấy những ngày đi phải "rát hơi bỏng cổ" để thương thuyết lấy được khách hàng hay hợp đồng, những ngày ngồi lỳ ở quán cà phê thực ra là để làm cho xong công việc.

Đinh Hằng gửi lời khuyên đến mọi người: Muốn theo đuổi đam mê của mình bạn phải chắc chắn bản thân đủ can đảm và có sự chuẩn bị sẵn sàng đối diện với mọi thứ

Trong 8 năm làm blogger du lịch của mình, có những thời điểm tôi được liệt vào hàng "bán vốn tự có" vì người đời chỉ thấy tôi ăn ở không đi hết nước này đến nước nọ, lăn lộn trên du thuyền này resort sang chảnh kia, ăn toàn nhà hàng fine dining, chụp toàn hình đẹp lồng lộn.

Nhưng không ai nhìn thấy những ngày làm việc từ 4 giờ sáng đến nửa đêm trong resort, những khi leo núi suốt đêm chỉ để chụp một tấm hình bình minh từ trên núi, cuộc sống di chuyển đến chóng mặt suốt 13 nước đã đi trong một năm hay gần 50 chuyến bay liên tục, những khi bệnh nặng ở xứ người không một ai bên cạnh, những khi phải đi đòi nợ agency đầy nhục nhã chính số tiền đáng ra họ phải trả cho bạn…

Nếu không ngừng học hỏi, bạn sẽ không sợ thất nghiệp

Viễn cảnh bám vào một công ty nhà nước dù công việc bình thường để ổn định đến cuối đời đã không còn đẹp đẽ như trước. Áp lực thất nghiệp ngay cả trong các công ty tư nhân là có thật và với dòng chảy công nghiệp cuồn cuộn như hiện nay, bạn có thể ra đường bất cứ lúc nào.

Điều tôi học được trong nhiều năm qua, là bạn phải không ngừng học hỏi, mở rộng vốn kiến thức để có thể thích ứng với việc thay đổi công việc hay…thất nghiệp.

Ngồi trong một công ty thì đừng chỉ nghĩ mình chỉ làm duy nhất một công việc ấy, mà hãy chịu khó ngó nghiêng, tham gia và học hỏi những người làm ở bộ phận khác.

Đừng nghĩ là mua việc vào người và đừng lười, vì rất có thể một ngày nào đó bạn sẽ phải làm chính công việc đó để kiếm sống. Đừng nghĩ mình đang bị bóc lột, hãy nghĩ mình đang có cơ hội để học hỏi thêm.Một công ty sẽ thích tuyển những người có khả năng trong nhiều lĩnh vực hơn là chỉ biết làm đúng một công việc duy nhất.

Du lịch và khám phá chính là một phần cuộc sống của Blogger Đinh Hằng

Ngoại ngữ là một thứ khác để giúp bạn có thêm cơ hội khi làm tự do, hoặc bỏ việc và muốn xin vào những nơi tốt hơn.

Đừng coi thường các kĩ năng mềm và đừng xem thường giá trị của những mối quan hệ. Rất có thể vào lúc bạn thất nghiệp, một người đồng nghiệp cũ hay một người bạn cũ có thể sẽ mang đến cho bạn một cơ hội làm việc khác.

Từ khi bỏ nghề báo 6 năm trước, tôi đã trải qua rất nhiều công việc khác, từ làm truyền thông, làm nội dung website, viết sách, viết blog, làm diễn giả, bán tour dạo, thiết kế tour, làm KOL, bán ảnh online, thậm chí làm bánh ngọt hay pha chế anh cũng không ngại. Tất cả các kỹ năng hay kiến thức này đều do tôi tự học, hoặc chịu khó học hỏi từ người khác.

Đừng bỏ việc nếu bạn không có can đảm

Tôi thường khuyên bạn bè mình, những người đã chán ngán công việc đến tận cổ là bỏ đi vì không còn hứng thú cũng không thể làm công việc của mình tốt được. Còn nếu không có đủ can đảm để bỏ, thì tốt nhất là thay đổi thái độ và học cách yêu công việc của mình.

Vì cuối cùng, nếu nhà bạn không phải là đại gia, thì ai cũng phải làm mới có ăn, chỉ khác là chúng ta làm theo những cách khác nhau mà thôi".

Hãy cùng ngắm nhìn những hình ảnh của Blogger Đinh Hằng với công cuộc chinh phục đam mê du lịch:

Dung Mai

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/blogger-dinh-hang-neu-muon-bo-viec-thi-dung-an-bam-60965.html