Blogger du lịch ra sách về thiên đường ruộng bậc thang

NXB Kim Đồng phát hành tập bút ký 'Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì'. Sách gồm những bài viết của tác giả Hoài Sa về vùng đất Hoàng Su Phì ở phía tây Hà Giang - thiên đường ruộng bậc thang.

Hà Giang nổi tiếng trên bản đồ du lịch với cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng ít người lại biết Hoàng Su Phì cũng là một địa phương giàu sắc màu văn hóa với hơn 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Tuy là vùng xa và đường đi khó khăn, Hoàng Su Phì vẫn giữ lưu giữ nhiều phong tục, lễ lạt, nghề truyền thống đầy ấn tượng. Trong số đó, phải kể tới ruộng bậc thang, tác phẩm lao động kỳ vĩ của con người nhiều trăm năm qua, vốn đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2012.

Khởi đầu sách là những mô tả về ruộng bậc thang ở Bản Phùng, Bản Luốc… Ruộng ở đây thường dốc cao, trải dài như bức tường ngang tầm mắt, nên luôn thu hút các tay máy nhiếp ảnh mỗi mùa lúa chín. Những câu chuyện về cách cha ông lập bậc thang, cách làm thủy lợi, ngày gieo trồng, chuyện thả cá chép ruộng cho thấy bức tranh lao động ở Hoàng Su Phì đẹp không kém bức tranh mùa vàng ở đây. Bên cạnh đó là những trang viết về lễ Cơm mới của người Nùng, chuyện làm bánh giày ngày Tết của người Dao; tất cả đều gắn với cây lúa.

Phong tục, nhiều trong đó còn lạ lẫm, là một phần không nhỏ trong sách. Lễ Nhảy lửa của người Dao Đỏ được thuật lại chi tiết. Những thanh niên người Dao sau khi được thầy mo làm lễ cho ma nhập, lao vào đám lửa cháy bừng để nhảy múa mà không hề bị bỏng. Loại lễ có phần hãi hùng này thường nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa. Chuyện lễ Cấp sắc, tức lễ trưởng thành, cho nam thiếu niên Dao Áo Dài lại hiện lên với nhiều ý nghĩa về nhân sinh, giáo dục.

Tác giả đan cài các phần viết về những nghề truyền thống sinh động. Nghề chạm bạc ở Pờ Ly Ngài của người Nùng đang nỗ lực cạnh tranh với đồ trang sức của người miền xuôi. Nghề trồng chè shan tuyết của người Dao, người Mông lại đưa bạn đọc đến những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhưng đi cùng đó là sự ngậm ngùi về tương lai của nghề dạy chữ Nôm Dao khi lớp trẻ không còn hứng thú học thứ chữ này nữa.

Chuyện tình của núi cũng dành thời lượng bàn về cách làm du lịch ở Hoàng Su Phì. Ở đây, du lịch cộng đồng đang là hướng đi thoát nghèo. Tác giả ủng hộ cách làm du lịch bền vững và có trách nhiệm, dù băn khoăn về du lịch đại trà có thể tác động tiêu cực đến miền núi rừng này nếu được thực hành không kiểm soát. Trên thực tế, do giao thông cách trở, du lịch theo đoàn chưa phát triển ở Hoàng Su Phì, giúp nơi đây có thời gian gây dựng du lịch bền vững.

Từng là blogger du lịch, tác giả Hoài Sa đã nhiều lần tới Hoàng Su Phì trong 2 năm để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống và văn hóa, đồng thời tiếp xúc với nhiều người dân tộc địa phương. Chuyện tình của núi là tập hơn 17 bài viết sau các hành trình đó với phong cách trẻ trung kết hợp tính ký sự đi sâu vào chi tiết.

Bảo Đức

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/blogger-du-lich-ra-sach-ve-thien-duong-ruong-bac-thang-736144.html