BN 237 đi nhiều nơi, tình cờ phát hiện mắc Covid-19 sau cú ngã

Vào Việt Nam từ tháng 12/2019, bệnh nhân số 237 (BN237) di chuyển qua nhiều địa điểm sau đó quay lại Hà Nội vào ngày 22/3, nhưng mãi đến khi bị ngã vào viện cấp cứu mới phát hiện mắc Covid-19.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tối 3/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc COVID-19 mới, trong đó đáng lưu ý có ca BN237. Đây là một bệnh nhân nam 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, đã di chuyển nhiều địa điểm như: Ninh Bình (17/3), TP Hồ Chí Minh (21-22/3) và quay lại Hà Nội từ 22/3 đến nay.

Cũng liên quan đến trường hợp BN237, trước đó ít giờ tại buổi họp BCĐ phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phân tích mức nguy hiểm của trường hợp này khi nhập cảnh từ tháng 12/2019 nhưng đến nay mới phát hiện dương tính với Covid-19.

Sở dĩ người đứng đầu chính quyền Hà Nội quan tâm đến bệnh nhân này là bởi vì ông yêu cầu giám đốc Sở Y tế báo cáo kỹ về con số 3.082 người nhập cảnh trước 0h ngày 14/3, trước 0h ngày 18/3 và trước 0h ngày 21/3.

Ông cho biết, “không thấy báo cáo gần đây” và nêu vấn đề: Đây là số rà soát ban đầu, nhưng còn số người nước ngoài nhập cảnh bằng đường du lịch hay giao thông nội địa đã rà soát hết chưa, đã chắc chắn về con số chưa?.

Và Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, không rà soát kỹ càng thì rất nguy hiểm.

Báo cáo Chủ tịch UBND TP về trường hợp BN237, quận Long Biên cho biết, đây là người có quốc tịch Thụy Điển, sinh năm 1956. Nhâp cảnh từ 19/12/2019, nằm ngoài đối tượng theo dõi lấy mẫu.

Khi nhập cảnh, BN237 ở 90 An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ, sau đó có đi một số địa điểm và đến 22/3 thuê ở tại Sao hotel rồi trả phòng vào ngày 30/3. Ngày 26/3, người này có bị tai nạn và được cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Việt Pháp, chữa trị tại đây, sau đó có quay về khách sạn. Ngày 31/3, người này có hiện tượng chảy máu mũi và khách sạn đã đưa vào Bệnh viện Đức Giang. Ngày 1/4, bệnh nhân được đưa sang Viện Huyết học và được xét nghiệm dương tính với Covid-19.

“Ở Bệnh viện Đức Giang rồi đến Viện huyết học, trường hợp này đều có gây rối”, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Chủ tịch UBND TP thông tin thêm, trường hợp này nhập cảnh vào Việt Nam ngày 19/12/2019 qua cửa khẩu Mộc Bài, và đã đi rất nhiều nơi, về Hà Nội ngày 12/3/2020 và nhấn mạnh: “Trường hợp này vẫn nằm trong diện phải rà soát. Nhưng cách mà chúng ta rà soát lại chỉ nhìn vào thời điểm nhập cảnh mà không chú ý thời gian quay lại”.

Từ trường hợp này, Chủ tịch UBND TP nêu 2 giả thiết: "Thứ nhất, trường hợp này ủ bệnh từ trước, khi về Hà Nội từ ngày 12/3 đến khi phát bệnh là 20 ngày. TP đã thông tin nhiều lần ở các cuộc họp là thế giới đã cảnh báo thời gian ủ bệnh không chỉ 14 ngày mà có thể dài hơn.

Thứ 2, trường hợp này về Hà Nội đi lại rồi bị lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố - nghĩa là trên địa bàn phải có người dương tính khác. Như vậy là rất nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất lớn. Các điểm đi đến và người tiếp xúc ở quận Tây Hồ, Long Biên, cấp cứu 115, Bệnh viện Đức Giang, Viện huyết học… đều phải cách ly”.

Trước nguy cơ này, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, phải lưu ý tất cả các trường hợp có yếu tố người nước ngoài, nhất là những trường hợp đi từ vùng dịch về, có yếu tố Bạch Mai, ho sốt…

“Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải đặc biệt lưu ý, phải cách ly lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Bài học ở Hồng Ngọc còn nguyên giá trị”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bn-237-di-nhieu-noi-tinh-co-phat-hien-mac-covid19-sau-cu-nga-post337144.info