Bố bất lực nhìn con đau đớn mang trong mình căn bệnh ung thư, không tiền chữa bệnh

Suốt hơn 4 năm qua, lần nào ôm con đi viện người bố cũng khóc vì vừa thắt ruột nhìn con đau đớn chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, vừa tủi phận vì không vay được tiền.

Em Trần Thị Như Quỳnh (SN 2008) là con gái lớn của anh Trần Văn Thăng (SN 1982) và chị Nguyễn Thị Thu (SN 1982) ở thôn Kim Lâm Đồng, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, khi chuẩn bị bước vào năm học thứ 2, Quỳnh bất ngờ phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo.

Gia đình phát hiện Quỳnh bị to bụng, thường xuyên kêu đau bụng về đêm. Lúc đầu gia đình cũng chỉ nghĩ Quỳnh bị giun nên mua thuốc về cho uống. Khoảng vài tháng sau thấy Quỳnh vẫn kêu đau, sức khỏe suy yếu trầm trọng, gia đình mới đưa con đến bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và ra bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, các bác sỹ xác định Quỳnh bị bệnh sarcoma cơ vân, một thể bệnh ung thư. Ngay sau đó, bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật bướu ở ổ bụng.

Quỳnh sau ca phẫu thuật lần 3

Kể từ ngày phát hiện bệnh đến nay hơn 4 năm, cũng là ngần ấy thời gian, hai bố con Quỳnh nay ở viện, mai ở trọ để chống chọi với bệnh tật. Sổ theo dõi bệnh của Quỳnh ngày một dày thêm. Ước mơ về học hành của Quỳnh cũng dang dở từ đây. Quỳnh buộc phải bỏ dở việc học bởi thời gian ở viện hóa – xạ trị nhiều.

Quỳnh đã trải qua 9 lần truyền hóa chất tại Khoa Ung bướu - Bệnh viện Nhi Trung ương rồi chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế xạ trị và trải qua 3 cuộc phẫu thuật sinh tử. Sau lần phẫu thuật khối u, các bác sỹ đã thực hiện hai đợt phẫu thuật nữa để thay hai đoạn tĩnh mạch bằng cao su do u bám vào tĩnh mạch máu, cơ thể Quỳnh vốn nhỏ bé càng thêm gày, chằng chịt những vết sẹo.

Anh Thăng chia sẻ: “Con như giờ là đỡ lắm rồi cô ạ. Những đợt cháu mới vào thuốc xong chỉ còn da bọc xương thì nhìn xót lắm. Cháu lại rất ham học, ngày nào mà khỏe lại chút lại lôi quyển sách ôn bài. Đợt nào đi truyền xong về nhà thấy khỏe hơn chút, gia đình lại đưa con đến trường đi học. Nhưng rồi được vài hôm, những cơn đau tái phát, con lại nghỉ học.

Mỗi năm tính ra cháu đến trường được một hai tháng là cùng. Nhìn con nhà người khác khỏe mạnh, vui vẻ đến trường còn con mình quằn quại đau đớn, thật đau lòng mà không biết làm sao để chịu đau giúp cho con”.

Anh Thăng lo lắng khi tới đây không biết lây đâu kinh phí để đưa con đi điều trị tiếp

Lấy nhau hơn chục năm, vợ chồng anh Thăng chưa có lấy một mảnh đất cắm dùi, đang phải ở nhờ. Không có đồng vốn nào trong tay, nhà lại chỉ có hơn sào ruộng của anh Thăng, vợ con anh không có. Khi con chưa bị bệnh, anh chị còn làm thuê để kiếm thêm thu nhập, nhưng từ ngày con bị bệnh, anh Thăng phải theo con đi viện, kinh tế gia đình trở nên cơ cực.

Hơn 4 năm cùng con chiến đấu với bệnh, những liều thuốc ngoài danh mục đắt đỏ đã lấy hết đi số tiền dành dụm bao năm của vợ chồng anh Thăng. Mảnh ruộng là tài sản và nguồn thu chính của gia đình đành bán để chạy tiền thuốc cho con.

Sổ theo dõi bệnh của Quỳnh ngày càng thêm dày

Lần nào đưa con đi chữa bệnh cũng “ngốn” hết hàng chục triệu đồng, vợ chồng phải vay mượn khắp nơi. Sức khỏe của Quỳnh không đảm bảo nên nhiều lần đi truyền hóa chất, hai bố con lại phải thuê phòng trọ rồi vật vờ chờ đợi hàng nửa tháng trong mòn mỏi. Nguyên tiền thuê trọ rồi ăn uống mỗi ngày để chờ đợi truyền cho Quỳnh cũng tiêu tốn hàng trăm ngàn đồng mà chưa kể tiền điều trị và đi lại.

Tính đến nay, số tiền vay cho con chữa bệnh đã lên tới vài trăm triệu. Vay anh em họ hàng, vay ngân hàng, vay “tín dụng đen”, giờ anh chị không biết bấu víu vào đâu. “Mình khổ bao nhiêu cũng chịu được, nhưng nhìn con nhỏ đau đớn, khóc thét trong đêm mà không đưa con đi chữa, ít ra cũng cho con liều thuốc giảm bớt đau đớn thì lòng không chịu nỗi. Bỏ con thì không đành” – anh Thăng chua xót nói.

Sau ca phẩu thuật lần thứ 3 cách đây không lâu, Quỳnh không ăn uống được gì, phải truyền gần như cả ngày đêm nên cơ thể trở nên suy nhược. Ổn định sức khỏe, Quỳnh được bác sỹ cho về nhà nghỉ một tháng rồi tiếp tục ra điều trị tiếp. Con đường phía trước đang dần trở nên mịt mờ với Quỳnh khi điều kiện gia đình đang rất khó khăn.

Ước mơ nhỏ nhoi được đến trường của Quỳnh như các bạn tưởng chừng rất đơn giản lại không dễ dàng với em khi đang mang trong mình hai chữ “nghèo” – căn bệnh hiểm nghèo và hoàn cảnh nghèo. Qua đây, chúng tôi mong Quỳnh gặp được những tấm lòng nhân ái giúp em có thêm cơ hội chữa bệnh, viết tiếp giấc mơ của mình.

Mọi sự giúp đỡ gia đình em Trần Thị Như Quỳnh - Mã số 449 xin gửi về:

1. Anh Trần Văn Thăng, thôn Kim Lâm Đồng, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 449

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 449

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0981656685

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 449

Đỗ Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/bo-bat-luc-nhin-con-dau-don-mang-trong-minh-can-benh-ung-thu-khong-tien-chua-benh-20190326103944896.htm