Bỏ biên chế nhà giáo suốt đời tạo sự cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục?

Bỏ biên chế suốt đời đối với nhà giáo từ 1/7/2020 khiến nhiều giáo viên lo lắng, trăn trở. Tuy nhiên, không ít ý kiến đồng tình với quy định này nhằm phát huy năng lực nhà giáo, nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, từ ngày 1/7/2020, hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên không là viên chức. Cụ thể, tại khoản 2, điều 2 sửa đổi, bổ sung điều 25 Luật viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020;

Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Giáo viên mới được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Cũng tại thời điểm 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 cũng chính thức có hiệu lực, quy định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Theo đó, phụ cấp thâm niên nghề được quy định trước đây tại Luật Giáo dục cũ đã không được nhắc đến tại Luật này.

Từ 1/7/2020 áp dụng bỏ công chức, viên chức suốt đời đối với nhà giáo.

Là giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục, nhất là đối với trường ngoài công lập, nên thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng có những trăn trở đối với câu chuyện biên chế giáo viên hiện nay. Theo thầy Tùng, khi áp dụng biên chế, những người vào biên chế cảm thấy yên tâm, từ đó toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc, nhất là những nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa sẽ yên tâm công tác...

Tuy nhiên, có một số mặt hạn chế của biên chế suốt đời. Đó là nhiều giáo viên có sức ì, không chịu phấn đấu, phát triển năng lực. Môi trường làm việc của công chức cũng còn có nhiều bất cập, dẫn đến mỗi cá nhân không phát huy được hết tài năng...

"Cách trả lương theo vị trí việc làm cùng với bỏ biên chế sẽ là điều rất tuyệt vời. Thứ nữa, khi chúng ta đưa ra cách tuyển dụng, đánh giá theo tiêu chí, nếu ai không đạt yêu cầu, việc thải loại là chuyện bình thường, bởi các trường ngoài công lập thực hiện thường xuyên, không có vấn đề gì. Tôi cho rằng, thay đổi là động lực để phát triển, nhất là đối với ngành giáo dục" - thầy Mạnh Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, Bộ GD&ĐT cần có chính sách và tuyên truyền trước khi quy định mới có hiệu lực để các em học sinh lớp 11, 12 muốn vào ngành sư phạm nhìn thấy những điểm sáng, triển vọng về nghề nghiệp. Nếu không sẽ khó thu hút được những sinh viên tốt vào ngành sư phạm.

Còn theo GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, bỏ biên chế với nhà giáo nếu làm được sẽ rất tốt, bởi điều này mang đến sự cạnh tranh cho vị trí việc làm và thu hút được giáo viên có chất lượng. Tuy nhiên, cần phải giải bài toán về chuyện tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp.

"Giáo viên hiện nay thu nhập thấp, nhiều người còn phải làm thêm, dạy thêm. Giáo viên ở vùng sâu vùng xa chưa thể yên tâm với nghề vì lương thấp, thiếu nơi ở… Điều này cũng là lý do các trường sư phạm đã không còn sức hút đối với thí sinh giỏi như trước đây" - GS Dong chia sẻ.

Quang Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/bo-bien-che-nha-giao-suot-doi-tao-su-canh-tranh-nang-cao-chat-luong-giao-duc-20200118154933077.htm