Bỏ biên chế vĩnh viễn với giáo viên: Hay nhưng...

Đây là vấn đề rất lớn đối với xã hội và để thực hiện được không hề đơn giản bởi đó là hậu quả của hàng chục năm trước để lại.

Góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa qua, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập. Thay vào đó, tất cả đều thực hiện chế độ Hợp đồng lao động có thời hạn.

Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, có như vậy thì người lao động có động lực để nâng cao năng lực và phẩm chất, có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm...

Chia sẻ với Đất Việt, nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đều tán thành với đề xuất này của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và cho rằng việc thực hiện đề xuất này cần có lộ trình.

Theo GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, ở nước nào cũng có biên chế cố định, nhưng trong quá trình làm việc luôn luôn có sự đào thải. Bản thân người lao động phải không ngừng phấn đấu nâng cao năng lực, đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng "sống lâu lên lão làng" mà ít chú ý đến tài năng. Những người quản lý lâu năm thì càng trụ lâu mà không cần tài năng, tham nhũng càng lớn.

Cả một quá trình như thế khiến nạn tham nhũng trong ngành giáo dục không hề nhỏ và nó gây tác hại cũng không nhỏ. Vì lẽ đó Việt Nam phải cải cách.

Việc thực hiện bỏ biên chế vĩnh viễn đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên công lập là cần thiết nhưng không dễ dàng. Ảnh minh họa

"Tôi hoan nghênh và ủng hộ việc cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên công lập phải không ngừng phấn đấu nâng cao năng lực và đạo đức, nếu không sẽ bị đào thải.

Như vậy nghĩa là, vào biên chế giáo dục không phải là vĩnh viễn, mà phải luôn luôn có sự kiểm soát, khảo sát và kiểm tra năng lực qua từng thời kỳ.

Những người không đáp ứng được thì phải bị đào thải, để những người khác hoàn thành tốt nhiệm vụ và tuyển thêm thế hệ mới.

Bên cạnh đó, về quản lý, Bộ GD-ĐT không nên "bao" tất cả. Bộ là nơi quản lý để thi hành pháp luật và tạo điều kiện để các cơ sở phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, những vấn đề nào thuộc Bộ về quản lý thì Bộ làm, còn việc của các trường thì phải giao cho các trường, các sở, địa phương làm.

Về giáo dục đại học, nên bỏ hệ thống trung gian và các trường đại học vùng ở các địa phương vì Sở GD sẽ làm gì nếu địa phương tồn tại những trường đại học như vậy?

Bản thân các trường đại học thành viên cũng không phát triển được vì không có tài sản độc lập, không tự chủ tài chính, tự chủ giáo dục", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.

Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cũng lưu ý, việc xóa bỏ biên chế vĩnh viễn đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập là rất khó bởi phải giải quyết hậu quả của hàng chục năm trước, không ai dễ dàng buông tha vì "dây mơ rễ má" đến quan hệ họ hàng, bạn bè, thân thiết... Dù không thể làm một sớm một chiều nhưng phải kiên quyết.

"Có như vậy người tài giỏi, chăm chỉ, đạo đức tốt mới phát triển được, đào thải người không có năng lực, chuyên ăn bám. Nếu để như hiện nay thì rất gay, tiền đâu để Nhà nước trả lương?

Các nước dùng tiền thuế để giải quyết học phí cho người học, từ mẫu giáo đến THCS, THPT đều miễn phí, nhưng ở Việt Nam đều đóng cả, mới có TP.HCM tuyên bố miễn học phí bậc THCS từ năm 2019.

Tiền thuế lại để nuôi những người không có năng lực, để họ sống dựa vào như chùm gửi, tệ hại hơn là vì không nó năng lực thì người ta ăn hối lộ, tham nhũng..., điều đó rất nguy hiểm", GS Phố nhấn mạnh.

Vị chuyên gia gợi ý, cứ thi tuyển, kiểm tra lại năng lực, quá trình công tác vừa rồi của các đối tượng nêu trên có vấn đề gì không, từ đó sẽ quyết định. Trước khi cho nghỉ việc thì phụ cấp cho họ một số tiền để họ tìm việc khác làm.

Cũng cho ý kiến về đề xuất này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, cách đây chừng nửa năm ông đã đề cập đến vấn đề này. Về lâu dài, các cơ quan công sở phải làm việc theo chế độ hợp đồng.

Theo đó, cơ quan tuyển dụng thực hiện một hợp đồng giữa cơ quan đó và người lao động, trong đó có ghi rõ về khối lượng công việc và chất lượng cần thiết. Nếu không đạt yêu cầu của hợp đồng thì phải xóa bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, GS.TS Phạm Tất Dong cũng thừa nhận đây là chuyện lâu dài, còn ngay lập tức làm việc này rất khó vì số lượng giáo viên rất đông mà vẫn chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục. Nếu ký hợp đồng thì bên cạnh mặt tích cực có thể xảy ra tiêu cực, hợp đồng có thể không minh bạch.

Mặt khác, những người đang dạy hiện nay đang trông đợi, sống bằng đồng lương này, giờ nếu muốn ký hợp đồng nữa thì phải có cách tuyển theo kiểu hợp đồng. Nếu lỡ không đạt thì tự nhiên các giáo viên từ chỗ đang có việc lại trở thành thất nghiệp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/bo-bien-che-vinh-vien-voi-giao-vien-hay-nhung-3364373/