Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975: Công chúng thêm nhiều ca khúc hay

Thông tin Chính phủ đồng ý chủ trương bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 do Cục Nghệ thuật - Tổ chức biểu diễn cùng một số đơn vị đề xuất đang được công chúng quan tâm. Trong đó, những đối tượng liên quan trực tiếp cũng đã nêu ý kiến đồng tình.

Ca khúc cộng đồng Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn dù đã hát cả ngàn chương trình có quy mô lớn nhưng cuối cùng bị phát hiện là chưa ai cấp phép theo NÐ 79

Ca khúc cộng đồng Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn dù đã hát cả ngàn chương trình có quy mô lớn nhưng cuối cùng bị phát hiện là chưa ai cấp phép theo NÐ 79

Tin vui cho các nhạc sỹ

Đó là ý kiến của bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ. Bà Đàng cho biết các ca khúc của Châu Kỳ đều có nội dung ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu con người, đôi lứa, quê hương. “Việc phải xin giấy phép cho từng ca khúc đã cản trở rất nhiều đến việc phổ biến các ca khúc đó đến với người nghe”- bà Đàng nói và dẫn chứng vào năm 2018 khi ca khúc Con đường xưa em đi của chồng bàbị cấm. “Tôi rất ngạc nhiên khi ca khúc này bị cấm, mà không rõ lý do dù trước đó ca khúc này được hát nhiều lần, được cấp phép rồi lại bị cấm”, bà Đàng băn khoăn.

Vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ cho hay, thủ tục xin cấp phép ca khúc trước 1975 chủ yếu do các đơn vị tổ chức thực hiện, nhưng việc cấp phép rồi lại cấm, rồi cấp lại đã gây khó khăn rất nhiều cho những người tổ chức. Theo bà Đàng, khi biết tin chủ trương bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975, chồng bà ở suối vàng cũng sẽ toại nguyện bởi hồi còn sống nhạc sỹ Châu Kỳ có một mong ước là các ca khúc của ông sẽ được hát một cách chính thức.

Đồng tình với ý kiến của bà Đàng, nhạc sỹ Hàn Châu, nhạc sỹ Vinh Sử, nhạc sỹ Giao Tiên… cũng rất vui khi nghe tin này. Nhạc sỹ Hàn Châu cho biết: “Trong những ca khúc chưa được cấp phép phổ biến của tôi có những ca khúc được người nghe yêu thích như Những đốm mắt hỏa châu, Thành phố sau lưng... Tuy chưa được cấp phép hát chính thức nhưng trong những đêm nhạc tự phát vẫn có rất nhiều người hát, nhiều người nghe. Giờ nếu được hát chính thức sẽ có những đạo diễn chuyên nghiệp, những ca sỹ chuyên nghiệp thực hiện thì tôi tin ca khúc sẽ còn được người nghe yêu thích nhiều hơn nữa”.

Vui chung với những đồng nghiệp, nhạc sỹ Vinh Sử cho hay: “Thực ra hầu hết các ca khúc của tôi đều đã được cấp phép hát nhưng tôi vui cho các bạn bè của tôi. Mấy ngày nay, các nhạc sỹ gọi cho tôi, chia sẻ niềm vui với tôi rất nhiều. Thêm các ca khúc được phép hát có nghĩa là các nhạc sỹ sẽ có tiền tác quyền nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn, những đứa con tinh thần mà nhạc sỹ đã bỏ bao tâm huyết, sức lực để sáng tác sẽ được công chúng biết tới nhiều hơn. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất với mỗi người nhạc sỹ đã bước sang tuổi xế chiều như chúng tôi”.

“Theo Nghị định 79 của Chính phủ về quy định biểu diễn nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn là nơi tiến hành cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975. Ðiều đó đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất khi mong muốn đưa những ca khúc hay, những ca khúc đã ghi dấu ấn một thời đến với người nghe hiện nay. Ngoài ra Nghị định 79 cũng gây khó khăn khi có nhiều ca khúc dù chưa được cấp phép nhưng đã mặc nhiên được sử dụng trong rất nhiều chương trình lớn. Việc bãi bỏ cấp phép cho các ca khúc trước 1975 sẽ giải quyết được những vướng mắc trên cũng như được coi phù hợp với xu thế quản lý hiện nay”.

Bà Trương Thị Thu Dung - Giám Ðốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Ðông

Nâng cao ý thức nhà sản xuất

Bà Trương Thị Thu Dung - Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, một trong những người đầu tiên xin cấp phép cho phổ biến những ca khúc trước 1975 tại Việt Nam nói đã mong mỏi điều này từ rất lâu. Theo bà Dung, chuyện xin cấp phép cho các ca khúc trước 1975 đã gây ra nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất, các nhà tổ chức âm nhạc.

“Với người có trách nhiệm thì trước khi đi xin phép ca khúc được phổ biến, họ phải thẩm định kỹ càng các vấn đề liên quan. Nhưng với một số nhà sản xuất làm ăn chụp giựt, họ cứ chọn đại bài hát để xin, được hay không được tính sau. Chính vì thế trách nhiệm đã bị đẩy cho người cấp phép. Nhiều lúc do thiếu năng lực hay sợ trách nhiệm, người cấp phép đã bỏ luôn cả những ca khúc hay, thực sự có ý nghĩa với đời sống tinh thần người dân. Còn với việc bãi bỏ giấy phép cho các ca khúc trước 1975, nhà sản xuất, nhà tổ chức âm nhạc sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung ca khúc, điều đó sẽ nâng cao ý thức của họ trong việc thẩm định”.

Là một nhà sản xuất âm nhạc, đồng thời là một đảng viên lâu năm, bà Dung hiểu được, ý thức được ca khúc nào phù hợp với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân; cũng như đánh giá được tác hại của một số ca khúc có vấn đề tư tưởng. “Tôi đã xin cấp phép cho hàng trăm ca khúc sáng tác trước 1975 và hầu hết ca khúc tôi xin đều thành công. Việc bỏ giấy phép sẽ tạo ra sự chọn lọc để những nhà sản xuất, tổ chức âm nhạc làm ăn uy tín, đàng hoàng có nhiều cơ hội hơn trong việc xây dựng chương trình. Còn với những kẻ làm ăn chụp giựt, cố tình đưa các ca khúc có vấn đề ra để câu khách, sẽ có chế tài để xử lý, răn đe” - bà Dung nói thêm.

Trả lời báo giới, bà Nguyễn Thị Hoài Anh - Giám đốc Công ty Đông Đô cho rằng những ca khúc được sáng tác trước năm 1975 gắn liền với một gian đoạn của lịch sử dân tộc, và lịch sử thì luôn đòi hỏi cái nhìn khách quan, không thể tách rời khỏi bối cảnh của cuộc sống. Trừ những tác phẩm xấu, có ý đồ chính trị công khai, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, hận thù thì cũng có rất nhiều tác phẩm hay, là một phần di sản của âm nhạc Việt Nam nên cần phải có một ứng xử phù hợp. “Tôi ủng hộ bãi bỏ việc cấp phép ca khúc trước 1975” - bà Hoài nói.

Ca khúc Con đường xưa em đi của Châu Kỳ đã từng gây xôn xao dư luận bởi đã cho phép hát rồi lại cấm, rồi lại cho hát

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/bo-cap-phep-ca-khuc-truoc-1975-cong-chung-them-nhieu-ca-khuc-hay-1378089.tpo