Bộ Chính trị khuyến khích từ chức và nguyện vọng của 3 ủy viên Trung ương

Việc Trung ương Đảng cho 3 ủy viên thôi tham gia Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII ngoài việc dựa vào chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật còn xem xét đến nguyện vọng của cán bộ.

Công tác cán bộ tại Hội nghị Trung ương 6 thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đặc biệt là việc Trung ương đã thống nhất cho 3 ủy viên Trung ương Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII.

Việc này được Trung ương căn cứ vào quyết định hiện hành, ý kiến của cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức và xem xét nguyện vọng của cán bộ.

Các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo và vừa được Trung ương thống nhất cho thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII

Ở đây có hai vấn đề đáng chú ý. Đầu tiên, quyết định của Trung ương được dựa trên nhiều chủ trương, quan điểm và tinh chỉ đạo của Đảng trong thời gian qua. Đặc biệt, với thông báo kết luận số 20 ngày 8/9 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; trong đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Và quyết định cho 3 ủy viên Trung ương Đảng đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo trước đó thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương cho thấy Kết luận 20 đã phát huy tác dụng một cách nhanh chóng, hiệu quả sau gần một tháng ban hành.

Câu chuyện “cán bộ từ chức” đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm gần đây. Từ quy định số 41/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đến thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, mở ra cánh cửa “có tình, có lý” cho cán bộ bị kỷ luật trong các cơ quan công quyền và có ý nghĩa định hướng đối với các cấp ủy đảng.

Trên cơ sở thực hiện đúng quy trình, nghiêm minh những chỉ dẫn, quy định trong các văn bản nêu trên sẽ hình thành và thúc đẩy “văn hóa từ chức” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và bộ phận cán bộ bị kỷ luật nói riêng.

Có thể khẳng định từ quy định số 41 đến thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị và diễn biến vụ việc ba ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là minh chứng cho độ tương thích giữa chế tài của Đảng với thực tế cán bộ bị vi phạm, kỷ luật.

Thứ đến, điểm nhấn tiếp theo trong quyết định của Trung ương là ngoài các nguyên tắc cứng thì có khía cạnh mềm dẻo, đó là dựa trên tinh thần tự nguyện từ chức bằng việc ‘xem xét nguyện vọng của cán bộ”.

Cho nên, vấn đề từ chức được Đảng ta khuyến khích đối với những cán bộ bị kỷ luật nhằm tạo nếp và tiền lệ để thúc đẩy “văn hóa từ chức” như một lẽ bình thường của đời sống chính trị.

Như vậy, vấn đề “khuyến khích cán bộ bị kỉ luật từ chức” đang đi vào cuộc sống, hiện thức hóa ở thiết chế cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương.

Thực hiện tốt công tác này ở bộ phận cán bộ bị kỷ luật góp phần tạo chuyển biến tích cực trong Đảng, kịp thời thay thế đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm hoặc năng lực, trình độ hạn chế, uy tín giảm sút.

Ngoài ra, việc này cũng góp phần đảm bảo những yếu tố vững mạnh, chuyển tiếp nhịp nhàng các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, thực hiện hài hòa phân bổ, quy hoạch và luân chuyển cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường và trình độ của đảng viên.

Điều này cũng thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ và sàng lọc những đảng viên vi phạm hoặc năng lực, trình độ hạn chế, uy tín giảm sút kịp thời để tạo cơ hội cho người khác xứng đáng hơn.

Làm tốt công tác này chính là góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021: “Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Việc cho 3 ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII một lần nữa khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được gọt giũa, chọn lọc, tinh tuyển về số lượng và chất lượng.

Vì mục tiêu trong sạch của bộ máy nhà nước và vững mạnh của hệ thống chính trị, những vấn đề khó nhất, nhạy cảm nhất về mặt nhân sự, về công tác con người, về vấn đề từ chức của cán bộ bị kỷ luật được Đảng ta kiên trì thực hiện, có lộ trình, có bước đi bài bản trên tinh thần hợp lý, thấu tình phù hợp với điều kiện, năng lực của một Đảng cầm quyền trong giai đoạn mới.

TS. Cù Văn Trung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-chinh-tri-khuyen-khich-tu-chuc-va-nguyen-vong-cua-3-uy-vien-trung-uong-2066958.html