Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế hệ thống chính trị

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết sau khi đã giảm 10% biên chế vào năm 2021, sẽ tiếp tục giảm thêm 5% tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị vào giai đoạn 2022-2026.

Ngày 14/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết Bộ Chính trị sẽ quản lý tổng biên chế của toàn bộ hệ thống chính trị.

Theo đó, sau khi đã giảm 10% biên chế vào năm 2021, trong giai đoạn 2022-2026 sẽ giảm thêm 5% tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nguyên tắc cắt giảm là không cào bằng, mà căn cứ vào điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị.

Đến năm 2026, sẽ cố gắng biên chế được quyết định dựa trên vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức.

Bà Trương Thị Mai cũng cho biết đã có văn bản mới về công tác quy hoạch cán bộ thay thế cho văn bản cũ (Quy định 50) trong đó xác định 3 nhóm chức danh thực hiện quy hoạch với nhiều điểm mới.

 Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị ngày 14/7. Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị ngày 14/7. Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Theo bà Mai, bước sang năm thứ hai của nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với thẩm quyền của mình ban hành 44 văn bản như Quy định 24 về thi hành Điều lệ Đảng, Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết 21 về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên…

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, hoàn thành 12/19 văn bản được giao (63,15% khối lượng văn bản được Bộ Chính trị giao).

Dự kiến, kết thúc năm 2022, sẽ có khoảng 60 văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đặc biệt, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 vào tháng 10, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Bà Trương Thị Mai đề nghị các phóng viên đặc biệt quan tâm đến một số chủ đề như bí thư cấp ủy không người địa phương; một số mô hình thí điểm về tổ chức và kiêm nhiệm một số chức danh; tiếp cận, phản ánh các mô hình tự phê bình, phê bình, đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ, phê phán thói quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân...

Đồng thời một số vấn đề khác cần được quan tâm như phát triển đảng tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước, phát triển đảng viên khu vực miền núi; quy định về sinh hoạt trực tuyến tại một số nơi có hoàn cảnh đặc biệt, đặc thù, đông đảng viên tới đây sẽ được Ban Bí thư ban hành; rà soát, sàng lọc đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng...

Cũng tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ông Bình cho biết trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương sẽ tổ chức, triển khai công tác tập huấn về công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đối với phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Đồng thời, khi các nhà báo, phóng viên viết những bài viết về xây dựng Đảng, đặc biệt là các bài đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái thù địch sẽ khiến ngòi bút, trình độ, tư liệu, vốn sống của phóng viên sẽ được nâng cao.

“Viết khen thì dễ, viết phê bình, phản bác, đấu tranh mới khó. Mà làm việc khó mới nhanh trưởng thành”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-chinh-tri-se-quyet-dinh-tong-bien-che-he-thong-chinh-tri-post1335729.html