Bộ Chính trị: Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước đi vào nề nếp, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Ngày 18/5, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước đi vào nề nếp, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Việc này cũng góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Bộ Chính trị quán triệt tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Đoàn Bắc.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhận định việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05 còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế. Một số người đứng đầu còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi, nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

Đồng thời, kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân có hành vi không lành mạnh nào. Song song với đó, khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị lưu ý phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương.

“Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu ‘trên trước, dưới sau’, ‘đảng viên đi trước, làng nước theo sau’. Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân”, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ.

Bộ Chính trị cũng quán triệt rõ tinh thần không tham nhũng, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác nhằm vụ lợi.

Cuối cùng, Bộ Chính trị đề nghị coi trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm cảnh tỉnh, phát hiện từ sớm, kịp thời ngăn chặn vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-chinh-tri-khong-de-nguoi-than-loi-dung-vi-tri-cong-tac-nham-vu-loi-post1216904.html