Bỏ chuyến thăm Đan Mạch: Tổng thống Mỹ gây sốc

Lẽ ra theo kế hoạch, ông Donald Trump sẽ thăm Đan Mạch vào ngày 2/9 tới trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Nữ hoàng Margrethe II. Nhưng tuần trước ông gợi ý muốn mua đảo Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và bị Thủ tướng Mette Frederiksen gọi ý tưởng đó là 'kỳ cục', vậy là ông quyết định hủy chuyến thăm.

Tổng thống Trump hủy chuyến thăm Đan Mạch vào tháng 9 tới gây ra sự khó hiểu

Tổng thống Trump hủy chuyến thăm Đan Mạch vào tháng 9 tới gây ra sự khó hiểu

“Thỏa thuận bất động sản lớn”

Trong một tin Twitter hôm 20/8, ông Trump ca ngợi Đan Mạch là “một đất nước rất đặc biệt”, song nói rằng chuyến thăm ngày 2 - 3/9 sẽ không diễn ra vì bà Frederiksen “không quan tâm đến việc thảo luận mua bán đảo Greenland”. Người phát ngôn Nhà Trắng cũng như Hoàng gia Đan Mạch đều khẳng định việc hủy chuyến thăm. Giám đốc truyền thông Hoàng gia Lene Balleby nói với BBC rằng điều đó “vô cùng đáng kinh ngạc”.

Chỉ vài giờ trước khi ông Trump tweet, Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands còn tweet rằng “Đan Mạch đã sẵn sàng cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một đối tác, một đồng minh, một người bạn”. Không lẽ tư duy thực tiễn của một ông trùm bất động sản trước đây đã khiến vị Tổng thống quốc gia hàng đầu thế giới bỏ qua mọi nghi lễ ngoại giao lẫn vị thế “đối tác, đồng minh, bạn bè” với Đan Mạch?

Ý tưởng của ông Trump muốn mua đảo Greenland được ông khẳng định hôm 18/8. Khi được hỏi liệu ông có định đổi một lãnh thổ nào đó của Mỹ lấy đảo Greenland hay không, ông đáp: “Có nhiều việc có thể làm. Về bản chất đó là một thỏa thuận bất động sản rất lớn”. Sau đó, ngày 19/8, ông đăng hình ảnh một tòa nhà chọc trời mọc lên giữa những ngôi nhà trong một làng nhỏ trên đảo, với lời nhắn: “Tôi hứa không làm vậy với Greenland”.

Đáp lại, Thủ tướng Đan Mạc Frederiksen, người lẽ ra sẽ hội đàm với ông Trump ở Copenhagen, nói rằng Greenland “không phải để bán” và hy vọng lời đề nghị của ông Trump không phải chuyện nghiêm túc. Bà dự định lên tiếng về vấn đề này vào chiều tối 21/8.

Khủng hoảng ngoại giao

Đề xuất của Tổng thống Mỹ ban đầu đã khiến nhiều chính trị gia Đan Mạch không tin và coi đó là chuyện hài hước. Cựu Tổng Thư ký NATO Lars Rasmussen, một người Đan Mạch, khi đó nói: “Đó hẳn là chuyện đùa ngày Cá tháng Tư”. Nhưng sau đó tâm trạng này đã biến thành cảm giác sốc vì ông Trump hủy chuyến thăm cấp nhà nước. “Hoàn toàn rối loạn với ông Donald Trump và việc hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch. Một cơ hội lớn để tăng cường đối thoại giữa các đồng minh đã biến thành cuộc khủng hoảng ngoại giao” - cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen nêu ý kiến - “Mọi người đều biết Greenland không phải để bán”.

Soren Espersen, người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của đảng Nhân dân Đan Mạch thuộc cánh hữu cứng rắn, nói với báo chí nước này: “Sự việc cực kỳ gây sốc bởi liên quan đến một đồng minh rất thân thiết, một người bạn tốt”. Ông miêu tả việc hủy chuyến thăm là sự xúc phạm với Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe, và ông không chờ đợi sẽ có một chuyến thăm khác của ông Donald Trump.

Một chính trị gia khác, ông Morten Ostergaard, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đan Mạch, nhận xét với tờ Guardian: “Điều đó cho thấy vì sao chúng ta, hơn bao giờ hết, nên cân nhắc xem các nước EU là đồng minh thân thiết nhất. Ông ta là người không thể đoán định được. Thực tế vượt xa mọi tưởng tượng”. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã gây nên căng thẳng quan hệ với EU về thương mại và các vấn đề khác, nhưng đến nước này thì thật khó tin.

Mỏ khoáng sản

Song bà Aaja Chemnitz Larsen, nghị sĩ đảng Inuit Ataqatigiit đối lập ở Greenland, nói rằng bà không ngạc nhiên về chuyến thăm, mà điều đó còn nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh thổ này. “Mỹ là một đồng minh thú vị cho Greenland, nhưng chúng tôi cũng muốn Greenland ở nguyên trong liên minh chúng tôi đang có ngày nay” - Reuters dẫn lời bà nói.

Greenland thu hút sự chú ý của nhiều cường quốc thế giới, từ Trung Quốc tới Nga tới Mỹ, bởi vị trí chiến lược và các mỏ khoáng sản ở đó. Đây là một lãnh thổ tự trị với nghị viện riêng, nhưng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Đan Mạch về kinh tế. Là hòn đảo lớn nhất thế giới (sau Australia, vốn coi mình là một lục địa), Greenland nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số 56.000 người, tập trung trên các bờ biển. Gần 90% dân số là người bản xứ Inuit ở Greenland.

Đan Mạch đóng góp 2/3 thu ngân sách của Greenland, phần còn lại đến từ nghề cá trên hòn đảo. Các mỏ dầu khí tiềm năng và trữ lượng đất hiếm ở đây vô cùng hấp dẫn. Các tập đoàn Mỹ từng cho rằng, Trung Quốc là nguồn cung cấp đất hiếm rất tốt - đây là những kim loại cần thiết cho ngành chế tạo công nghệ cao, được sử dụng phổ biến cho điện thoại di động, máy tính, xe chạy điện. Song lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với quan điểm đối ngoại cứng rắn đã khiến nhiều chính trị gia Mỹ tức giận, nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ bị hạn chế và có lẽ đó là lý do hàng đầu khiến Mỹ muốn mua Greenland.

Greenland có 2 tháng ban ngày liên tục mỗi năm, nhưng hơn 80% hòn đảo bị bao phủ bởi một mũ băng dày tới 4km mà thế giới lo nó đang tan chảy do sự ấm lên toàn cầu. Băng tan khiến việc tiếp cận các nguồn khoáng sản trên đảo dễ hơn. Song người ta cũng cho rằng băng tan ra có thể để lộ chất thải hạt nhân độc hại bị bỏ lại ở một số vị trí quân sự của Mỹ ở đây từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, Greenland còn nằm sát Bắc cực, nơi ngày càng được nhiều cường quốc nhắm tới với các mục đích khai thác khoáng sản, quốc phòng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/bo-chuyen-tham-dan-mach-tong-thong-my-gay-soc-4028571-b.html