Bộ Công an đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

Trả lời ý kiến các ĐBQH việc dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, thậm chí rao bán tràn lan trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: 'Chúng tôi đang điều tra vụ việc đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân'.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH sáng nay (10/8), ĐBQH Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) đặt câu hỏi, việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp của pháp luật quy định nhưng hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này rất phổ biến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ những giải pháp đối với tình trạng này?

Trả lời ý kiến của ĐBQH Siu Hương, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết việc bảo vệ dữ liệu cá nhân Bộ Công an đang tích cực thực hiện. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động", trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, ý thức người dân chưa cao.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay, Bộ đang xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sắp tới sẽ ban hành. Dự kiến năm 2024, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới, cũng nhiều nước có bộ luật tương đương.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Công an cho biết Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi tham gia môi trường mạng; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân. "Chúng tôi đang điều tra vụ việc đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân", Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Cùng đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Tô Lâm, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu, tình trạng thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội đang diễn biến phức tạp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới?

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã triệt phá một số đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ nhiều máy móc, phôi làm giả giấy tờ. Các đối tượng khai nhận có thể làm tất cả các khâu để giả giấy tờ; tự ký và đóng dấu được; sẵn sàng làm giả giấy tờ các loại, kể cả bằng đại học.

Bộ Công an đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này. Bộ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định. Bộ cũng dùng biện pháp nghiệp vụ, điều tra, đấu tranh xử lý các đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả.

Bộ Công an cho biết, đối với tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả đang diễn ra ngang nhiên, nhiều loại giấy tờ giả được rao bán từ 2-6 triệu đồng, công khai trên mạng. Bộ đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ hàng nghìn con dấu, phôi bằng cấp, công cụ máy móc.

Qua đấu tranh, đối tượng cũng khai nhận có thể tự thực hiện hầu hết các công đoạn từ làm giả phôi, con dấu, tự đóng dấu, ký…

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền các cơ quan chức năng về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, tham mưu, hỗ trợ rà soát, phát hiện các trường hợp sử dụng văn bằng, giấy tờ giả để xử lý nghiêm; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý các đường dây sản xuất giấy tờ giả".

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bo-cong-an-dang-dieu-tra-vu-rao-ban-30-trieu-du-lieu-ca-nhan-169220810113704903.htm