Bộ Công an: Không được giới hạn việc luật sư gặp thân chủ

Bộ Công an quy định CQĐT, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

Đây là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 46/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự...

Phải hỏi rõ có nhờ người bào chữa hay không

Thông tư 46/2019 quy định khi tiếp nhận người bị bắt hoặc giao các quyết định tố tụng cho bị can, người bị tạm giữ, điều tra viên phải đọc và giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTHS năm 2015 và ghi vào biên bản giao nhận. Biên bản phải ghi rõ ý kiến của họ về việc có nhờ người bào chữa hay không.

Đối với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, nếu có đơn yêu cầu người bào chữa thì CQĐT, cơ sở giam giữ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 BLTTHS năm 2015. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

Trường hợp chưa yêu cầu nhờ người bào chữa thì trong lần đầu tiên lấy lời khai hoặc hỏi cung, điều tra viên phải hỏi rõ họ có nhờ người bào chữa hay không và phải ghi ý kiến này vào biên bản. Nếu có yêu cầu thì điều tra viên hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bào chữa.

Ngược lại, nếu không nhờ người bào chữa thì trong thời hạn 12 giờ sau khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ và 24 giờ sau khi hỏi cung bị can lần đầu, điều tra viên có trách nhiệm thông báo cho người đại diện hoặc người thân thích của họ biết.

Bị cáo Hoàng Công Lương trao đổi với luật sư của mình trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo Hoàng Công Lương trao đổi với luật sư của mình trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Người bào chữa có thể được tham gia hỏi

Đặc biệt, thông tư quy định rõ thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của những đối tượng này.

Ngoài ra, khi lấy lời khai, hỏi cung, nếu điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị giữ, người bị bắt, bị can vào biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can. Kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung, điều tra viên phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản.

Không được giới hạn luật sư gặp thân chủ

Cũng theo thông tư, khi người bào chữa đề nghị gặp thân chủ, đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và thẻ luật sư, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp; đồng thời phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở CQĐT và yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh.

Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 BLTTHS năm 2015. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

Đặc biệt, người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp thân chủ cho điều tra viên đang thụ lý vụ án. CQĐT, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

T.PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bo-cong-an-khong-duoc-gioi-han-viec-luat-su-gap-than-chu-871393.html